Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp bắt đầu ‘thấm’ Nghị định 20
03/04/2018 16:00:35
Các quy định mới của Nghị định 20/2017 về giao dịch liên kết, có hiệu lực từ 1/5/2017, như mẫu tờ khai về hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu hay báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đang là thách thức không dễ vượt qua.

Mẫu tờ khai 04 - lợi nhuận liên quốc gia

Tại buổi cập nhật chính sách thuế 2018 do Công ty Grant Thornton Việt Nam tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp bày tỏ thắc mắc, băn khoăn liên quan đến việc kê khai theo Thông tư 41/2017 hướng dẫn Nghị định 20. Trong số này, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là phụ lục III - mẫu tờ khai 04 - báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Đại diện một doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyên thực hiện tìm kiếm nguồn hàng và kiểm định hàng trước khi xuất khẩu theo các hợp đồng có sẵn mà công ty ở nước ngoài đưa về chia sẻ rằng từ năm 2009 đến nay doanh nghiệp này luôn thực hiện kê khai có giao dịch liên kết đầy đủ. Tuy nhiên, với Thông tư 41 hướng dẫn Nghị định 20, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về mẫu tờ khai mẫu 04 - lợi nhuận liên quốc gia. “Doanh nghiệp chỉ phải lấy thông tin tóm tắt hay bản sao toàn bộ? Và nếu không tuân thủ được yêu cầu này thì điều gì sẽ xảy ra? Cơ quan thuế chỉ cho phép 15 ngày để giải trình, vậy sau đó sẽ thế nào?”, đại diện doanh nghiệp đặt hàng loạt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bảo Thái, Trưởng phòng cấp cao, bộ phận xác định giá thị trường của Grant Thornton Việt Nam, cho biết trong trường hợp doanh nghiệp có công ty mẹ ở nước ngoài thì cần nộp bản sao báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và giải trình trong trường hợp công ty mẹ được miễn theo quy định của nước đó. Tất nhiên, việc này với nhiều doanh nghiệp không dễ. Nhưng quy định là quy định, doanh nghiệp phải trao đổi với công ty mẹ để tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan thuế. “Mình nhỏ nhưng về nguyên tắc phải yêu cầu tập đoàn cung cấp hồ sơ toàn cầu, kể cả báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Nếu không, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro cao về ấn định thuế khi không đưa ra được bức tranh toàn cầu”, ông Thái nói.

Và trong trường hợp không thể cung cấp tờ khai 04, theo ông Nguyễn Hùng Du, Phó tổng giám đốc của Grant Thornton Việt Nam, vấn đề đáng quan tâm với doanh nghiệp không phải là tiền phạt vi phạm hành chính khi không tuân thủ đầy đủ mà là việc sẽ có những rủi ro tương đối lớn. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, cơ quan thuế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc sẽ xử phạt như thế nào khi doanh nghiệp không nộp đủ báo cáo nhưng các quy định cũ vẫn có thể áp dụng với những tiền lệ. Ông Du nhấn mạnh: “Lúc bấy giờ, cơ quan thuế vẫn giữ quyền ấn định những điều chỉnh giá của giao dịch liên kết, tỷ suất lợi nhuận... Vì vậy, vấn đề đáng quan tâm với doanh nghiệp, hậu quả lớn hơn nhiều số tiền xử phạt là quyền ấn định và điều chỉnh của cơ quan thuế”.

Trao đổi với TBKTSG cách đây chưa lâu, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng từng cảnh báo, doanh nghiệp sẽ gặp thách thức lớn khi tuân thủ Nghị định 20, Thông tư 41. Trong đó, thách thức lớn nhất là mẫu tờ khai 04 về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Bởi lẽ, việc thực hiện hoàn toàn dựa vào các công ty mẹ ở nước ngoài, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thời gian 90 ngày để hoàn thành, tính từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Một chuyên gia khác cũng đồng tình, khó khăn nằm ở việc nhiều tập đoàn không muốn công khai những con số này cho cơ quan thuế Việt Nam dù rằng đã ký kết tham gia chương trình chống xói mòn thuế. Và tất nhiên, công ty con, công ty có liên kết ở Việt Nam thì không thể có tiếng nói buộc tập đoàn thực hiện.

Trong bản tin cập nhật nhanh về thuế, tập trung vào Thông tư 41, Công ty Deloitte Việt Nam cũng có hướng dẫn chi tiết về việc khai tờ khai mẫu 04 cùng nhiều lưu ý. Theo đó, trong trường hợp người nộp thuế có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam thì phải kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỉ đồng trở lên có hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng trường hợp công ty mẹ tối cao ở nước ngoài thì Thông tư 41 không có hướng dẫn. Báo cáo này nộp kèm tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính.

Trong trường hợp người nộp thuế không cung cấp được bản sao báo cáo này cho kỳ tính thuế tương ứng với kỳ quyết toán thuế của doanh nghiệp thì phải có nghĩa vụ chuẩn bị và cung cấp các tài liệu khác gồm: (1) bản sao báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao trong năm tài chính liền kề trước kỳ tính thuế của người nộp thuế và (2) văn bản giải trình lý do không thể cung cấp.

Trường hợp người nộp thuế có nhiều công ty mẹ tối cao và báo cáo tài chính của người nộp thuế được sử dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất của nhiều tập đoàn thì cung cấp hồ sơ toàn cầu của tất cả các tập đoàn, lưu bản sao báo cáo lợi nhuận của tất cả các công ty mẹ.

Vẫn chưa thông tỏ nhiều nội dung

Theo quy định tại Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần hoạt động sản xuất kinh doanh cộng với lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).

Theo ông Thái, việc thực thi quy định này với doanh nghiệp cũng đang có nhiều vấn đề cần làm rõ. Theo đó, mức khống chế này áp dụng đối với loại lãi vay nào, chỉ bao gồm lãi vay từ bên liên kết hay toàn bộ lãi vay? Câu hỏi này hiện đang được các cơ quan thuế trả lời khác nhau. Cục Thuế Hà Nội, tại Công văn số 1990/CT-TTHT và 3966/CT-TTHT hướng dẫn lãi vay bao gồm toàn bộ lãi vay từ bên liên kết và bên độc lập, áp dụng trong cả kỳ tính thuế. Trong khi đó, Cục Thuế Bình Dương, tại Công văn số 741/CT-TTHT thì cho rằng, lãi vay chỉ bao gồm lãi vay từ bên liên kết.

Một vấn đề khác nữa là thời điểm áp dụng. Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 1-5-2017 thì việc khống chế chi phí lãi vay áp dụng từ thời điểm này theo đúng nguyên tắc, bản chất kế toán hay cho cả năm tài chính 2017? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp chính thức.

Bên cạnh đó, theo ông Thái, doanh nghiệp cũng cần lưu ý về trường hợp được miễn kê khai hoặc miễn lập hồ sơ theo diện “chức năng đơn giản”. Tổng cục Thuế mới đây có hướng dẫn cho một doanh nghiệp rằng, chức năng đơn giản với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, phân phối nghĩa là không có chức năng quyết định chiến lược; phát sinh giao dịch tạo giá trị gia tăng thấp; không chịu rủi ro hàng tồn kho, thị trường và không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác tài sản vô hình có giá trị của tập đoàn. Lời khuyên cho doanh nghiệp là cần theo sát các hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương cũng như chuẩn bị tài liệu hỗ trợ. Trong trường hợp muốn có ý kiến chính thức từ cơ quan thuế làm cơ sở thực hiện thì trong công văn đề nghị hướng dẫn phải trình bày cả bối cảnh của giao dịch liên kết. Ví dụ, giá trị thặng dư cao trong chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp nào được hưởng? Rủi ro được phân chia thế nào?... Có như vậy thì mới xác định được chính xác. Nếu thiếu sót bối cảnh, cơ quan thuế có thể hướng dẫn không đúng và hậu quả là doanh nghiệp sẽ chịu khi có thanh tra, áp vào trường hợp không miễn kê khai.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên gia công đá quý xuất khẩu trình bày công ty mình chỉ có một khách hàng duy nhất và giá gia công do đối tác quyết định. Mức giá này thấp và thường lỗ so với chi phí nhưng doanh nghiệp lại luôn có một khoản thưởng gia công. Như vậy doanh nghiệp có rơi vào trường hợp có giao dịch liên kết và cần làm hồ sơ kê khai hay không?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Trọng tài viên VIAC, trường hợp này khả năng cao là bị xếp vào loại có giao dịch liên kết. Bởi lẽ, hai bên không có quan hệ gì với nhau về vốn, về điều hành nhưng doanh nghiệp làm gia công lại bị điều phối về giá bởi đối tác. “Trường hợp này khác hẳn với tình huống công ty làm bữa ăn giữa ca, bán cho doanh nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận lâu giờ vẫn bị cơ quan thuế nói rằng có giao dịch liên kết vì trên 51% đầu ra bán cho một đơn vị khác”, bà Cúc phân tích.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định 20, một chuyên gia thuế nhận xét với TBKTSG rằng, dù quy định đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2017 nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp mới kê khai để quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp đang “cuống cuồng” thực hiện và cũng có không ít doanh nghiệp chưa thực sự nắm chắc các quy định. Ở phía ngược lại, bản thân câu chữ trong nghị định và thông tư hướng dẫn cũng chưa thực sự cụ thể, thuận lợi cho người thực thi, dù rằng Nghị định 20 đã minh bạch và rõ ràng hơn rất nhiều so với quy định cũ.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến