“Doanh nghiệp nhà nước là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường”
29/05/2015 16:49:37
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia.

Tin liên quan

DNNN đang nắm nguồn lực lớn của đất nước. Ảnh: Lương Bằng.

Ngày 27/5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “DNNN: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường”.

Ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng Ban cải cách và phát triển DN (CIEM) cho rằng: Tính các DN có 100% sở hữu vốn Nhà nước thì hiện Việt Nam có xấp xỉ 800 DNNN, tổng tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP. Trong khi đó, tổng tài sản của DNNN ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) chỉ khoảng 15% GDP. Như vậy quy mô DNNN ở Việt Nam rất lớn. Vốn chủ sở hữu là 1,1 triệu tỷ đồng; nợ phải trả là 1,7 triệu tỷ đồng; Doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 nghìn tỷ.

Ông Trung đánh giá DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước, song tập trung vào 8 tập đoàn, tổng công ty lớn.

“Nhiều ngân hàng thương mại ưu tiên cho DNNN vay, đặc biệt là một số tập đoàn, tổng công ty lớn. Điều này làm tập trung nguồn lực vào một số DNNN, khiến rủi ro cao và DNNN quá lớn để sụp đổ” – ông Trung băn khoăn.

Ngoài ra, DNNN có ưu thế trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Dù pháp luật hiện hành không phân biệt việc giao, cho thuê đất sản xuất kinh doanh nhưng ước tính thực tế DNNN đang nắm giữ 70% mặt bằng sản xuất kinh doanh.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: DNNN là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia.

“Nguyên nhân cơ bản là quan niệm về vai trò, chức năng của DNNN không còn phù hợp. Kinh tế nhà nước là chủ đạo, hàm ý DNNN là then chốt, là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước. Khi quan trọng như vậy, DNNN phải lớn, không thể thu hẹp. Khi không thể thu hẹp, DNNN không thể cổ phần hóa, tư nhân hóa quy mô lớn, không thể để cho phá sản và chúng quá lớn để có thể đổ vỡ. Vinashin là ví dụ” – TS Nguyễn Đình Cung đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: DNNN làm méo mó hệ thống pháp luật Việt Nam. Giữa Luật và các văn bản hướng dẫn có độ vênh nhau rất lớn. Nhìn vào Luật không thấy có ưu đãi cho DNNN, nhưng các văn bản hướng dẫn lại có những ưu đãi cho khu vực này.

Kiến nghị để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đức Trung đặt ra giải pháp hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thống nhất khuôn khổ hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp không phân biệt nguồn gốc sở hữu. Ngoài ra, cần thu hẹp phạm vi hoạt động của khu vực DNNN, tái cơ cấu mạnh mẽ các DNNN.

Theo Báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến