Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp tôn thép đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần?
27/05/2018 06:00:13
Chấp nhận gia tăng nhiều loại chi phí để nâng công suất và chiếm lĩnh thị trường, tổng lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành tôn thép suy giảm.

Cuộc chạy đua xây nhà máy

Trong xu thế phát triển chung của việc đầu tư hạ tầng, xây dựng, bất động sản trong những năm qua, nhu cầu tôn thép theo đó cũng tăng cao và nhiều doanh nghiệp trong ngành không ngần ngại lên kế hoạch mở rộng đầu tư và gia tăng công suất để đáp ứng nhu cầu.

Cuộc chạy đua xây nhà máy và tăng công suất đã ngầm diễn ra từ vài năm qua với những ông lớn đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen hay cả những tên tuổi tiềm năng như Tôn Đông Á, Thép Nam Kim… mà đằng sau đó chính là cuộc chiến mở rộng thị trường và giành lấy thị phần.

Với thị phần thép đứng đầu nhưng 70% sản lượng tiêu thụ lại tập trung tại miền Bắc, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang có kế hoạch tiến sâu vào khu vực phía Nam và miền Trung.

Thực hiện ‘chiến lược xe lu’, Hòa Phát bán ra thị trường ba triệu tấn thép các loại trong năm qua, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, công ty này đang thử nghiệm dây chuyền sản xuất tôn mạ công suất 400.000 tấn và chuẩn bị vận hành siêu dự án 3 tỷ USD Khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát - Dung Quất.

Việc bổ sung năng lực sản xuất 4,5 triệu tấn của Dung Quất sẽ giúp HPG tăng công suất lên 7 triệu tấn thép các loại vào năm 2020, cao gấp đôi công suất hiện tại và gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn lên các đối thủ cũng như áp lực tiêu thụ cho chính Hòa Phát.

Trong khi HPG muốn Nam tiến thì Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng mở rộng hoạt động ra toàn quốc với nhiều dự án công suất lớn đang thực hiện như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An, Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định, Nhà máy Ống thép mạ kẽm nhúng nóng Hoa Sen Phú Mỹ…

Không những thế, siêu dự án Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm cũng được Hoa Sen nhắc lại tại Đại hội thường niên đầu năm 2018. Theo đó, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết công ty đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án. Việc xin ý kiến cổ đông chuyển trụ sở chính của Tập đoàn cũng nằm trong lý do này.

Công suất và sản lượng tiêu thụ của HSG trong niên độ tài chính 2016-2017 xấp xỉ 1,7 triệu tấn; như vậy khi đưa vào vận hành 7 nhà máy lớn sắp tới cùng dự án Cà Ná đang bỏ ngỏ thì sản lượng HSG cũng tăng rất mạnh và tạo áp lực không nhỏ cho các đối thủ. Ngoài ra, HSG cũng lên kế hoạch phát triển hệ thống phân phối lớn với trên 1.000 chi nhánh vào 2020, con số hiện tại là 500 chi nhánh.

Không nằm ngoài cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp cũng không ngừng ‘đổ tiền’ vào các nhà máy sản xuất mới. Với Thép Nam Kim (NKG), việc đưa 2 nhà máy tôn mạ mới vào hoạt động giúp tăng công suất lên gấp đôi đạt 850.000 tấn trong năm 2017 và sản lượng tiêu thụ gần 800.00 tấn.

Chưa hết, dây chuyền còn lại tại nhà máy Nam Kim 3 đi vào hoạt động với công suất thực tế là 350.000 tấn/năm vào tháng 9/2018 sẽ giúp cho tổng công suất của NKG tăng tới 40%. Ngoài ra, NKG cũng ráo riết đầu tư nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn 6.900 tỷ và tổng công suất ít nhất 1,7 triệu tấn/năm.

Trong khi đó Formosa Hà Tĩnh đang xây dựng lò cao thứ hai trong mùa hè năm 2018 nhằm tăng công suất sản xuất thép thô dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 7 triệu tấn/năm.

Hay Tôn Đông Á vẫn tiếp tục đầu tư giai đoạn II nhà máy Chi nhánh Thủ Dầu Một tại Đồng An 2 để tăng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Trong chiến lược 2019-2025, công ty này cũng lên kế hoạch dựng một nhà máy thứ mới công suất lớn (từ 300.000 đến 500.000 tấn/năm).

Bẫy sản lượng

Cuộc chạy đua xây nhà máy, tăng công suất có thể khiến sản lượng ngành tôn thép tăng mạnh đẩy các doanh nghiệp rơi vào bẫy sản lượng giống trường hợp của ngành hồ tiêu trước đây; từ đó, buộc các công ty phải cạnh tranh khuyến mãi, giảm giá và dẫn đến giảm giá trị bán hàng.

Dự báo về thị trường tôn thép 2018, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định mức tăng trưởng sẽ đạt 20-22%. Trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ, sơn phủ màu tăng 12%.

Báo cáo thị trường tôn thép 4 tháng đầu năm, VSA cho biết sản lượng sản xuất gần 7,6 triệu tấn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi sản lượng tiêu thụ thấp hơn với gần 6,7 triệu tấn, tăng trưởng 35%.

Việc tiếp tục đầu tư tăng công suất các nhà máy tôn thép thời gian tới sẽ khiến cho tình trạng cung cầu có thể mất cân đối, chưa kể dự báo sản lượng thép Trung Quốc vào nước ta sẽ tăng mạnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã dự báo thị trường tôn thép sẽ cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.

Hoa Sen nhận định cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn. Theo đó, công ty sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa và giảm tỷ trọng xuất khẩu. Cụ thể, HSG cũng đặt mục tiêu 70-75% doanh thu đến từ thị trường nội địa và 25%-30% doanh thu đến từ thị trường xuất khẩu. Hiện thị trường xuất khẩu đang đóng góp 38% doanh thu của HSG.

Công ty Thép Nam Kim cho biết thị trường xuất khẩu của công ty được phân bổ ở nhiều quốc gia như Indonesia, châu Âu, châu Mỹ,… Tuy nhiên các thị trường mới này có giá bán chưa tốt nên ảnh hưởng đến lợi nhuận, mặc dù vậy công ty đảm bảo tiêu thụ hết số lượng sản xuất.

Và sự đánh đổi lợi nhuận

Trong môi trường cạnh tranh cao, luôn có sự đánh đổi giữa thị phần và lợi nhuận. Qua số liệu về việc tăng công suất của nhà máy và mở rộng thị trường, có thể nhận thấy các doanh nghiệp tôn thép đang chấp nhận đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn để duy trì tính cạnh tranh trong ngành.

Mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn khi nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp. Phần lớn các công ty đưa ra kế hoạch doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận chỉ tăng nhẹ hoặc thụt lùi.

Đáng chú ý là 2 ông lớn HPG và HSG có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng nhưng kế hoạch lợi nhuận thì gần như đi ngang như năm trước. Thậm chí Thép Pomina, SMC và Thép Tiến Lên còn đặt kế hoạch lợi nhuận thụt lùi.

Ngoài yếu tố giá nguyên liệu tăng cao tác động đến giá vốn thì chính sách vay nợ lớn nhằm đầu tư tăng công suất, mở rộng hệ thống phân phối cũng khiến các chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của nhóm công ty.

Những kết quả cũng dần thấy rõ ngay trong quý đầu năm 2018, tính trên 12 doanh nghiệp niêm yết trong ngành thép, tổng doanh thu đạt 44.556 tỷ đồng, tăng trưởng 22,7%.

Tuy nhiên, do biến động bất lợi của giá nguyên liệu khiến tổng lợi nhuận gộp chỉ tăng 3,3% lên 5.682 tỷ đồng. Với tốc độ tăng thấp hơn doanh thu nên hệ số biên lợi nhuận gộp của hầu hết doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp đều tăng trưởng nhưng tổng lợi nhuận sau thuế của các đơn vị lại đạt 3.292 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn doanh thu, thậm chí là tăng trưởng âm, ngoại trừ TVN có lợi nhuận đột biến từ liên doanh liên kết và VGS tỷ trọng lợi nhuận nhỏ.

Trong đó, sự gia tăng về chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp (QLDN) là yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận ngành sụt giảm.

Điển hình như chi phí lãi vay và QLDN của HPG tăng lần lượt 41% và 57%. Chi phí bán hàng và QLDN của DTL tăng lần lượt 96% và 20%. Chi phí lãi vay và bán hàng của NKG tăng lần lượt 53% và 60%....

Nhằm duy trì và mở rộng thị phần, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận đánh đổi nhuận ngắn hạn để tăng cường vay nợ, đẩy mạnh công tác bán hàng và các hoạt động quản lý để tạo lợi thế sản xuất trong tương lai. Do đó, sự tăng trưởng mạnh lợi nhuận trong ngắn hạn là điều khó xảy ra và đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp tôn thép có lẽ là chiến lược phù hợp hơn.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến