Dòng sự kiện:
Đối tượng lừa đảo có 'biệt tài' giả giọng nhiều người
12/05/2017 07:44:05
Với biệt tài giả giọng nhiều người, từ năm 2015, Phương bắt đầu lừa đảo dưới thủ đoạn giả danh các lãnh đạo cấp cao, các chức sắc tôn giáo, nghệ sĩ nổi tiếng…

Phương "pê đê" và hàng trăm vụ mạo danh, lừa đảo

Theo lãnh đạo khu vực phía Nam của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an, cơ quan này vừa bắt giữ đối tượng Trịnh Duy Phương (tức Phương “pê đê”, 27 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) - kẻ mạo danh nhiều vị lãnh đạo, người có chức trách của các tỉnh thành từ Khánh Hòa đến Cà Mau để gây ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại ước tính ban đầu có thể lên tới hàng chục tỷ đồng…

Để bắt giữ thành công đối tượng này, các trinh sát của Cục C50 đã vô cùng vất vả, gian nan truy tìm theo dấu đối tượng qua nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Vào dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều trinh sát của Cục C50 đã không nghỉ lễ, vất vả lần theo dấu vết của đối tượng. Vì đối tượng này thường xuyên di chuyển và không ở đâu lâu nên rất khó phát hiện.

Ngày 4-5-2017, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện Phương đang có mặt tại tỉnh Bến Tre nên lập tức lên đường truy tìm.

Khi đang trên đường từ TP Hồ Chí Minh thẳng hướng Bến Tre thì các trinh sát nhận tin Phương đang từ hướng Bến Tre đi về Long An nên đã tổ chức đón lõng đối tượng này.

Đúng như nhận định của các trinh sát, Phương cùng “bạn trai” của mình chạy xe máy từ Bến Tre lên Long An để thực hiện vụ lừa đảo mới nhất.

Đối tượng Phương bị bắt tại tiệm xe máy ở Long An.

Theo đó Phương đã gọi điện cho một tiệm bán xe máy lớn ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An và mạo danh rằng mình là một người có chức trách lớn của tỉnh muốn mua một chiếc xe môtô phân khối lớn (Z1000) trị giá 340 triệu đồng…

Cứ nghĩ gặp được khách “sộp”, chủ cửa hàng này đã đồng ý giao dịch. Và khi Phương cùng “bạn trai” của mình (là Hồ Duy Tân, 18 tuổi, ngụ Bến Tre) trong vai người cháu của vị “lãnh đạo” kia đến nhận xe (tiền mua xe sẽ được chuyển khoản sau) thì các trinh sát cũng đã có mặt tại tiệm xe này và lập tức bắt giữ hai đối tượng.

Theo một trinh sát Cục C50, lúc bị bắt giữ Phương tỏ ra hết sức bình tĩnh, hơn nữa Phương cũng không khai nhận bất cứ điều gì mà chỉ im lặng, khiến các trinh sát chột dạ, sợ có thể bắt sai đối tượng. Tuy nhiên, qua hình dáng và mọi thông tin về đối tượng đều trùng khớp và sau đó, trước các bằng chứng thuyết phục của cơ quan Công an, Phương phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Ngay trong tối 4-5, sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, Cục C50 đã bàn giao đối tượng Phương cho Công an tỉnh Đồng Nai để đưa về TP Biên Hòa phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.

Riêng đối tượng Hồ Duy Tân, sau khi được đưa về làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án, Tân đã được tại ngoại.

Trở lại với những phi vụ lừa đảo của Phương, ngoài vụ giả giọng lãnh đạo tỉnh Long An để lừa đảo mua xe có giá trị lớn, thì trước đó Phương được cho là đã gây ra hàng trăm vụ mạo danh, lừa đảo chiếm dụng hàng chục tỷ đồng.

Theo thông tin ban đầu, Phương là người đồng tính. Vào năm 2010, Phương thụ án 6 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Sau khi thụ án xong, Phương lại ăn chơi lêu lổng và lang bạt khắp nơi.

Từ năm 2015, Phương bắt đầu hoạt động lừa đảo dưới thủ đoạn giả danh các lãnh đạo cấp cao, các chức sắc tôn giáo, nghệ sĩ nổi tiếng…

Dùng 12 số điện thoại và giả giọng nói được của cả nam lẫn nữ

Riêng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phương được xác định là đối tượng đã sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại, giả danh lợi dụng uy tín của cán bộ lãnh đạo tỉnh và công chức Nhà nước để thực hiện ba vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, lúc 10 giờ ngày 5-1-2017, Phương gọi điện vào số điện thoại di động của anh H.N.T (53 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, TP Biên Hòa), chủ một nhà hàng trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường Quang Vinh, tự xưng là Tuấn Anh - trợ lý của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đặt tiệc tại nhà hàng và yêu cầu anh T. mang số tiền 3 triệu đồng đến shop hoa Hồng Nhung ở phường Tân Tiến để đưa tiền đặt mua hoa cho bữa tiệc.

Anh T. tin rằng người gọi điện là trợ lý của Bí thư Tỉnh ủy nên đã gọi cho nhân viên quán mang 3 triệu đồng đến cây xăng Tân Phong, khu phố 2, phường Trảng Dài giao cho Phương…

Tiếp đó, ngày 22-1, cũng với thủ đoạn trên, Phương gọi cho anh H.T.L (54 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) là chủ một doanh nghiệp xe vận tải Biên Hòa - Vĩnh Long và tự nhận mình là Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, nói đang đưa người thân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Phương yêu cầu anh L. chuyển gấp số tiền 10 triệu đồng cho Phương. Anh L. tin tưởng nên nhờ người quen đưa cho Phương số tiền trên.

Hơn nửa tháng sau, ngày 9-2, Phương gọi điện tự nhận mình là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai hỏi mua chiếc điện thoại iPhone 7 Plus tại một cửa hàng thuộc khu phố 2, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa. Sau đó, Phương xin số tài khoản cửa hàng và tiếp tục gọi điện cho giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở tỉnh Đồng Tháp.

Phương tự xưng là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu vị giám đốc ngân hàng chuyển 20 triệu đồng cho Phương vào một tài khoản ngân hàng (chính là tài khoản của cửa hàng điện thoại nói trên).

Sau đó vị giám đốc chi nhánh đã chuyển khoản 30 triệu đồng. Đến 16h30 cùng ngày, Phương đến cửa hàng lấy điện thoại và còn được đưa lại số tiền dư 8 triệu đồng mà vị giám đốc chi nhánh đã chuyển vào tài khoản trước đó.

Hình ảnh của Phương lúc chưa bị bắt giữ.

Gần đây nhất, đối tượng mạo danh một cán bộ cấp cao đặt tiệc lớn ở một nhà hàng rất nổi tiếng ở một tỉnh miền Tây để đón lãnh đạo từ TP Hồ Chí Minh xuống công tác.

Qua điện thoại, nam thanh niên yêu cầu nhà hàng đưa số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Sau khi nhà hàng cung cấp số tài khoản, Phương gọi điện lại cho biết đã chuyển tiền, nhưng do khác ngân hàng nên thời gian chuyển bị gián đoạn.

Tiếp đó, Phương thông báo cho nhà hàng sẽ kêu nhân viên tới nhà hàng đôn đốc công việc. Viện cớ hoa đặt tại TP Hồ Chí Minh đang được chuyển xuống nhưng tiền tài khoản chưa chuyển tới nên yêu cầu nhà hàng ứng trước tiền cho việc đặt hoa. Tin tưởng, chủ nhà hàng đã chi số tiền lớn cho việc này. Sau đó, nhà hàng mới phát hiện bị lừa…

Để thực hiện những vụ lừa đảo của mình, bình quân mỗi ngày, Phương thực hiện hàng trăm cuộc điện thoại. Đồng thời, để có kịch bản hoàn hảo và tạo sự tin tưởng của người được gọi, Phương thường tìm hiểu kỹ nhân thân, tên tuổi, cách ăn nói, đi đứng và các mối quan hệ của lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh thành. Sau đó, nam thanh niên này gọi điện đến các công ty, ngân hàng, chủ cơ sở kinh doanh, nhà hàng… để mạo danh nhằm lừa đảo.

Thậm chí, Phương còn mạo danh cả những nghệ sĩ, vị sư thầy để lừa nhiều trụ trì các chùa nhiều tỉnh thành trên cả nước dưới danh nghĩa kêu gọi, vận động tiền từ thiện… Mỗi trường hợp lừa đảo, Phương thường lấy được từ 10-30 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa.

Nhằm tránh bị bại lộ, Phương dùng rất nhiều số điện thoại (tính riêng từ tháng 3-2017 đến nay, Phương đã dùng khoảng 12 số điện thoại để phục vụ cho việc lừa đảo), giả nhiều giọng khác nhau và thường xuyên thay đổi nơi ở, chủ yếu là sống ở nhà nghỉ, khách sạn tại các tỉnh thành.

“Biệt tài của đối tượng này là có khả năng giả giọng rất nhiều kiểu, cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ khác nhau và cách ăn nói ứng biến, phù hợp với từng tình huống. Đến mức khi điều tra, chúng tôi cứ tưởng rằng có nhiều đối tượng lừa đảo. Nhưng không ngờ cuối cùng chỉ có một đối tượng là Phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng thu thập được những đoạn ghi âm qua điện thoại mà các nạn nhân cung cấp cho thấy đối tượng này rất giỏi trong việc tạo niềm tin cho bị hại khiến không ai có thể ngờ được”, một lãnh đạo Cục C50 cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo Cục C50 thì phía nạn nhân đa phần đều cả tin, thậm chí cảm thấy “vinh dự” khi được cán bộ cấp cao nhờ vả nên không ngần ngại đưa số tiền lớn. Sau đó khi biết bị lừa, vì tâm lý e ngại không hỏi lại số tiền hàng chục triệu đồng đã cho “lãnh đạo” mượn nên không dám tố cáo với cơ quan Công an khiến chính người bị mạo danh cũng không hề hay biết.

Đến nay chưa thể xác định được Phương đã lừa đảo chính xác bao nhiêu vụ, số tiền thiệt hại bao nhiêu. Vì thế, sau vụ này, Cục C50 sẽ gửi công điện yêu cầu Công an các địa phương thống kê số nạn nhân và số tiền thiệt hại để có biện pháp giải quyết rốt ráo, đồng thời cảnh báo người dân tránh những thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Theo Công an nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến