Dòng sự kiện:
Đột nhập nơi người sống - người chết 'không khoảng cách' giữa Thủ đô
01/08/2017 14:06:38
Giữa Thủ đô hoa lệ, cảnh người sống - người chết sống "không khoảng cách" trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều người...

2600 là số nghĩa trang đang nằm xen kẽ giữa những khu dân cư trong lòng thành phố Hà Nội. Việc thiếu quỹ đất xây dựng nhà ở không chỉ ảnh hưởng đến người sống mà còn đang gây áp lực rất lớn lên “nơi ở” những người đã khuất. 

Các khu nghĩa trang trong lòng thành phố hầu hết nằm ở những nơi trước đây từng là các làng ven trung tâm, thuộc các khu vực như Bưởi, Láng… Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, những nơi xưa là đồng lúa nay trở thành nhà ở; các khu nghĩa trang từ chỗ ở cách xa khu dân cư nay đã len lỏi giữa những khu nhà ở.  

  

Ngách 6/94 đường Vĩnh Phúc hay còn được biết với tên gọi cũ là làng Vĩnh Phúc (Cầu Giấy, Hà Nội) tồn tại một khu nghĩa trang tự phát. Ở đây, bước chân ra khỏi nhà là có thể nhìn thấy mộ địa nằm ngổn ngang, mỗi ngôi quay một hướng. 

Theo người dân, nghĩa trang này của làng từ xưa nên không có người quản lý. Chính quyền chỉ có thể vận động người dân đi mai táng ở các nghĩa trang chính quy của thành phố. Còn những ngôi mộ đã xây dựng từ lâu rất khó di dời. 

Theo quy định của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ nghĩa trang hung táng đến khu dân cư là 1500m, nghĩa trang chôn cất một lần là 500m và nghĩa trang cát táng là 100m. Tuy nhiên ở đây, người sống và người chết dường như không có... khoảng cách. Đôi khi, người dân tận dụng ngay những ngôi mộ để làm nơi bán hàng.

Nghĩa trang làng Láng nằm ngay trên còn phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), trong khu vực đông dân cư và nhiều trường học. Nó đã tồn tại hơn 100 năm và đến nay không còn chỗ trống. 

 

Bức tường ngăn cách giữa nghĩa trang và con đường dân sinh đã bị phá. Phía cuối đường, một cơ sở phân phối nước uống, bia và nước giải khát vẫn hoạt động thường xuyên. 

Ngoài ra, nghĩa trang Mỏ Quan (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) đã ngừng nhận chôn cất do hết quỹ đất. Ban quản trang không biết có hoạt động hay không, nhưng việc người dân tự mở đường dân sinh đi qua nghĩa trang đã diễn ra từ nhiều năm. 

 

Những sinh hoạt của những người dân như giặt đồ, nấu nướng diễn ra ngay cạnh những "ngôi nhà" của người đã khuất. Từ lâu, họ sống và coi người đã khuất như những người hàng xóm của mình. Thỉnh thoảng họ vẫn chăm lo hương khói cho các ngôi mộ.

 

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết những nghĩa trang này là nghĩa trang tự phát, không có ai quản lý và đương nhiên là cũng không có những người chuyên trách dọn dẹp vệ sinh. Vì lẽ đó, nước, rác thải sinh hoạt đôi khi đổ ngay cạnh những ngôi mộ. Một số ngôi còn bị ngập nước.

 

Không chỉ bố mẹ, ông bà... mà ngay cả những đứa trẻ cũng phải chơi bên cạnh nơi chôn cất những người đã chết.

Thực tế, áp lực về dân số, quỹ đất đô thị đang rất lớn. Năm 2014, theo công bố quy hoạch nghĩa trang 2030 -2050, thành phố Hà Nội sẽ di dời hàng trăm ngàn ngôi mộ, mở rộng và xây dựng mới các nghĩa trang để phục vụ cho nhu cầu của người dân.

                       Nguyễn Mạnh

 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến