Dòng sự kiện:
'Đột nhập' phiên chợ đá quý tiền tỷ tại Hà Nội
09/10/2017 14:59:04
Từ lâu, phiên chợ đá quý lọt thỏm trong con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình (Hà Nội) tấp nập người mua kẻ bán mỗi dịp cuối tuần không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi giao lưu giữa những người yêu đá quý

Sáng chủ nhật hàng tuần, có một phiên chợ đá quý họp giữa lòng Hà Nội. Đây là nơi để người yêu đá quý Thủ đô cũng như mọi miền đất nước, du khách nước ngoài giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mua bán các loại đá quý.

Phiên chợ đá quý tiền tỷ lọt thỏm trong con ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình (Hà Nội).

Trong không gian khoảng 400 đến 500m2, có 20 gian hàng bày bán, giới thiệu vô số mặt hàng khác nhau từ đá quý thiên nhiên. Trong đó, phổ biến nhất là các loại đá quý được khai thác ở Lục Yên (Yên Bái), Quỳ Hợp (Nghệ An), Thanh Hóa, Phan Thiết…

 

Phiên chợ được mở từ cuối năm 2015. Một tiểu thương đến từ Yên Bái cho biết: "Do đường xa nên một tháng tôi chỉ đến tham dự phiên chợ đá quý một lần. Buôn bán chỉ là phụ, đến đây được trò chuyện, giao lưu, chia sẻ với những người cùng niềm đam mê với đá quý".

 

Các loại đá được bày bán tại phiên chợ rất đa dạng có giá trị vài chục ngàn đồng đến cả trăm triệu đồng. Chúng được bày trực tiếp trên mặt bàn hoặc trong các khay nhựa, tấm bìa để người mua thoải mái lựa chọn. Việc mua bán, giao dịch diễn ra khá nhanh chóng, đơn giản như mua mớ rau, con cá. Theo một tiểu thương tại đây, có giao dịch lên đến cả trăm triệu đồng nhưng không nhiều.

 

Phiên chợ tấp nập và nhộn nhịp. Anh Nguyễn Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) trao đổi: "Tôi mua được một viên đá rất đẹp để tặng vợ. Ở đây tôi không phải lo lắng gì về chất lượng, giá cả hay xuất xứ của các sản phẩm".

Một nhóm khách hàng kiểm tra chất lượng đá quý bằng cách dùng ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn.

 

Anh Lê Anh Tuấn - Phó chủ tịch CLB Đá quý Hà Nội chia sẻ: "Trong những chuyến đi đến Myanmar, Ấn Độ hay Thái Lan, anh đã bắt gặp những phiên chợ đá quý như thế này. Ở các nước phát triển, ngành đá quý phát triển rất mạnh, họ coi đá quý như một văn hóa, một niềm tự hào. Việt Nam có nhiều loại đá quý tốt và có tên tuổi trên thế giới, nhưng chưa được người Việt biết đến và đón nhận. Thậm chí còn có hiện tượng "chảy máu" đá quý. Nhiều người Việt phải ra nước ngoài mua những viên đá quý với giá rất đắt trong khi ở nước mình cũng có mà giá thành rẻ hơn nhiều".

Anh Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm, ý tưởng xây dựng phiên chợ đá quý là để phổ cập kiến thức, văn hóa, giá trị, vẻ đẹp của đá quý đến công chúng trong và ngoài nước một cách gần gũi nhất và nhanh nhất.

 

Gian hàng của một người đam mê đá quý đến từ Ba Lan, quốc gia có hổ phách chính gốc

 

Một trong những nét độc đáo của chợ phiên này đó là, những người tham dự, mặc dù chưa có kinh nghiệm về đá quý cũng dễ dàng lựa chọn cho mình một số mặt hàng phong thủy làm từ đá thiên nhiên như: vòng đeo tay, vòng cổ, các linh vật để bàn…dưới sự tư vấn của người bán.

 

Các hội viên CLB chợ đá quý Hà Nội đều tuân thủ nguyên tắc phải nói đúng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm ấy. Đồng thời, Ban Tổ chức sẽ kiên quyết xử lý, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để giữ vững thương hiệu đá quý Việt Nam. 

 

"Việc tổ chức và duy trì phiên chợ đá quý còn gặp nhiều khó khăn. Như thời tiết mỗi lần mưa gió như hôm nay sẽ ảnh hướng rất lớn đến việc sinh hoạt câu lạc bộ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì phiên chợ suốt hơn một năm qua. Sắp tới, Ban chấp hành Hội Đá Quý Việt Nam, Hội Đá Quý Hà Nội dự kiến mở rộng phiên chợ", anh Lê Anh Tuấn tâm sự.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến