Dòng sự kiện:
Dự án 'chết' tỷ đô của 5 'quả đấm thép' ở Quảng Ninh
06/09/2019 10:36:19
TKV, Vinashin, PVN, VNPT và Tổng công ty Sông Đà từng ôm mộng triển khai tổ hợp khu công nghiệp - cảng biển 15 tỷ USD ở Quảng Ninh. Tuy nhiên dự án sớm đi vào ngõ cụt với 2 đơn vị 'ăn quả đắng' là TKV và Sông Đà.

Phối cảnh dự án

Giấc mơ tỷ đô "chết yểu"

Năm 2006, trong thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (Vinashin) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) đã ký biên bản hợp tác đầu tư vào Khu kinh tế cảng biển kết hợp công nghiệp tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Theo đó, Khu kinh tế Hải Hà quy mô 5.000ha sẽ bao gồm tổ hợp khu công nghiệp - cảng biển phát triển các lĩnh vực công nghiệp: đóng tàu, luyện cán thép, hoá dầu, hoá than, kho bãi chứa xăng dầu, nhà máy điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp phụ trợ và hệ thống cảng tổng hợp phục vụ khu công nghiệp.

Dự kiến mức đầu tư cho các hạng mục trên khoảng 15 tỉ USD theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD xây dựng cảng biển và hạ tầng cơ sở.

Đầu năm 2007, các bên thành lập doanh nghiệp dự án là CTCP Đầu tư Phát triển Khu kinh tế Hải Hà với vốn điều lệ 300 triệu USD, bắt đầu đi vào hoạt động từ 9/3/2007.

Các cổ đông sáng lập, ngoài TKV (10%), Vinashin (15%), PVN (7%), còn có 3 ông lớn quốc doanh khác là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT - 7%), Tổng công ty Sông Đà (7%) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - 7%).

6 cổ đông sáng lập này nắm 53% vốn dự án, ngoài ngân hàng BIDV, số còn lại đều là các tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước (Tổng công ty Sông Đà năm 2010 chuyển thành Tập đoàn Sông Đà). 7% khác được hứa góp bởi Công ty Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (nay là BIM Group); 20% được góp bởi Quỹ Đầu tư Hải Hà - do các cổ đông trên thành lập và 20% còn lại của các cổ đông thể nhân khác.

Sự tham gia của loạt tập đoàn kinh tế nhà nước - được mệnh gia là những "quả đấm thép" của nền kinh tế mang tới kỳ vọng Hải Hà sẽ sớm chuyển mình trở thành một tổ hợp công nghiệp - cảng biển quy mô nhất miền Bắc. Tuy nhiên tham vọng này nhanh chóng đổ vỡ từ "trong trứng nước".

Năm 2009, 4 cổ đông BIDV, PVN, VNPT và BIM Group đồng loạt rút khỏi dự án, các cổ đông còn lại đề nghị giảm vốn góp. Tập đoàn TKV xin thôi không góp tiếp 27 triệu USD theo như đăng ký mà chỉ duy trì 3 triệu USD đã góp. Dự án lúc này có sự tham gia của một cổ đông tư nhân khác là CTCP Tập đoàn Thái Dương. 

Tới cuối năm 2009, Vinashin bất đắc dĩ đảm trách cổ phần chi phối của dự án với tỷ lệ 65%, TKV còn 1%, Tổng công ty Sông Đà 7% và CTCP Tập đoàn Thái Dương 20%, 7% còn lại là cổ phần được quyền chào bán.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Vinashin không tiếp tục đầu tư vào dự án và chuyển giao dự án cho đơn vị tiếp nhận là CTCP Tập đoàn INDEVCO. Tới đầu năm 2012, tới lượt Tập đoàn Thái Dương cũng rút khỏi dự án, INDEVCO cũng không có động thái chính thức và nghiêm túc tham gia vào dự án. 

Muốn giải thể, chỉ còn 1 nhân sự

Đại hội đồng cổ đông CTCP Đầu tư Phát triển KKT Hải Hà ngày 5/1/2012 đã thông qua chủ trương giải thể công ty, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Dù có vốn điều lệ đăng ký lên tới 4.800 tỷ đồng (300 triệu USD), song thực tế tới thời điểm hiện tại, chỉ có 2 cổ đông góp vốn thực là TKV góp gần 3 triệu USD, tương đương 47,89 tỷ đồng, chiếm 1% vốn điều lệ đăng ký và Tổng công ty Sông Đà góp 33,54 tỷ đồng (0,7%).

Từ khi thành lập đến tháng 6/2010, CTCP Đầu tư Phát triển KKT Hải Hà đã triển khai được một số phần việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như thuê tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000, thực hiện xong phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, lập báo cáo dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường giai đoạn 1, đền bù giải phóng mặt bằng khu núi Võ, núi Lò Chum và khu vực cảng Ghềnh Võ. Từ 7/2010, công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh và từ năm 2012 chỉ duy trì 1 nhân sự duy nhất là tổng giám đốc.

Đến nay, dự án chưa có quyết định giao đất/ cho thuê đất, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Nhà đầu tư INDEVCO từng được kỳ vọng là cứu cánh cho dự án sau đó cũng "tháo chạy". Đầu tháng 4/2019, doanh nghiệp tại Quảng Ninh được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép không tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận dự án.

Lối thoát nào cho TKV?

Như đã đề cập, TKV có chủ trương thoái vốn khỏi dự án từ năm 2009 sau khi đã góp 3 triệu USD. Tháng 6/2015, TKV từng đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt phương án bán lại toàn bộ phần vốn trong dự án cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

1 năm sau, SCIC tháng 6/2016 cho biết không xem xét mua lại khoản đầu tư ngoài ngành này của TKV, bởi pháp lý về sở hữu cổ phần của TKV là chưa rõ ràng, tỷ lệ sở hữu thấp trong khi các cổ đông không thực hiện góp vốn; ngoài ra, còn do CTCP Đầu tư Phát triển KKT Hải Hà đang trong quá trình giải thể và dự án đã dừng triển khai nhiều năm. Dù vậy, SCIC cũng bỏ ngỏ khả năng nhận chuyển giao trong trường hợp TKV thực hiện các bước bán đấu giá, bán thoả thuận nhưng không thành công.

Sáng 27/9 tới đây trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), TKV sẽ đưa ra đấu giá toàn bộ vốn góp góp 47,89 tỷ đồng trong Hải Hà, chia làm 299.338 cổ phần có mệnh giá 160.000 đồng/CP. Mức khởi điểm là 162.000 đồng/CP, đã bao gồm 1% giá trị "văn hoá, lịch sử".

Việc ra giá cao hơn mệnh giá đối với một doanh nghiệp muốn "chết" không được phần nào phản ánh lo ngại mất vốn nhà nước của ban lãnh đạo TKV. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng TKV chưa hẳn đã muốn buổi đấu giá thành công, bởi như đã đề cập, tập đoàn này khi đó có cơ hội chuyển "cục nợ" tại Hải Hà cho SCIC.

Dù thuộc sở hữu của TKV hoặc sau này có thể là SCIC, thì phải nhấn mạnh rằng phần vốn nhà nước trong Hải Hà rất khó tìm chủ mới. Báo cáo tài chính kiểm toán thể hiện tới cuối năm 2018, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 107,7 tỷ đồng, trong đó chi phí đã đầu tư vào dự án là 18,16 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 81,44 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 903 triệu đồng. Tuy nhiên khoản lỗ này chưa tính tới khoản cho vay 80,65 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân từ năm 2008 mà theo đơn vị kiểm toán Ocean Audit là không thể thu hồi được. Nếu trích lập khoản phải thu này, Hải Hà thực tế đã lỗ âm vốn chủ sở hữu.

Trung tuần tháng 8/2019, TKV cũng có kế hoạch đấu giá toàn bộ phần vốn trong Công ty Liên doanh Alumina Campuchia Việt Nam - chủ đầu tư dự án khai thác và chế biến quặng bauxite tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia có vốn đầu tư 20 triệu USD. Giá trị phần vốn được đơn vị tư vấn là Công ty TNHH PKF Việt Nam tính toán chỉ còn 126 tỷ đồng, tuy nhiên sau đó đã được tăng lên 187,3 tỷ đồng với lo ngại "mất vốn nhà nước". Giá đấu khởi điểm là 189,2 tỷ đồng (cộng 1% giá trị văn hoá, lịch sử) và không bất ngờ khi phiên đấu giá không thể diễn ra do không có nhà đầu tư quan tâm.

Phiên đấu giá cổ phần của TKV trong CTCP Đầu tư Phát triển KKT Hải Hà diễn ra sau đây 3 tuần, nhiều khả năng cũng sẽ có kịch bản tương tự.

Theo Nhà đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến