Dòng sự kiện:
Dự án chống ngập 10.000 tỷ gấp rút 'về đích' trước quý I/2020
15/06/2019 05:27:55
Sau thời gian “đắp chiếu” do vướng mắc thủ tục, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang cố gắng hoàn thành nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Sáng 14/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (nhà đầu tư) cho biết, dự án đã đạt khoảng 76% khối lượng thi công. Hiện tại, cống Tân Thuận đang thi công đổ bê tông âu thuyền và đóng cọc, lắp ván khuôn, dựng cốt thép bến neo quận 7, TP.HCM

Ông Tiến cũng chia sẻ, kể từ khi dự án khởi động lại sau Tết Nguyên đán 2019, UBND TP.HCM đã quan tâm giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay nhiều quận huyện vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Toàn bộ dự án có 229 hộ gia đình và 26 tổ chức bị ảnh hưởng, đến nay còn 92 hộ và 3 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng.

“Nếu các quận huyện kịp bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 30/6, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành dự án vào cuối năm nay hoặc chậm nhất vào quý 1/2020”, ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang được chính quyền TP.HCM tháo gỡ khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo: “Các quận huyện đã cam kết đến ngày 30/6 sẽ cơ bản bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Để đảm bảo tiến độ đề ra, hiện nay, lãnh đạo thành phố và các quận huyện đều họp mỗi tuần để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. UBND TP cũng sẽ làm việc với phía ngân hàng để tái cấp vốn cho dự án”.

Về phía mình, chủ đầu tư cũng cam kết sẵn sàng nguồn vốn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đề nghị với lãnh đạo TP.HCM cho phép được tiếp tục quản lý, vận hành dự án khi dự án hoàn thành.

Được biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng động thổ vào tháng 6/2016, nhưng do gặp một số vướng mắc, nên dự án tạm ngừng thi công 10 tháng và hiện đã triển khai thi công trở lại các hạng mục công trình.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hệ thống tiêu thoát nước tại TP.HCM đã khá cũ kỹ, chắp vá. Cùng với đó, hệ thống quản lý và cải thiện hệ thống cống lại chưa đồng bộ và không thể hiện tính khoa học.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát tại công trường thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Xét về vị trí, TP.HCM nằm ở vùng trũng thấp của khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều cửa sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, lại sát với biển nên luôn chịu sự ảnh hưởng biến động từ dòng chảy của sông và triều cường từ biển.

Trong đó, 60% đất đai của địa bàn có cao trình thấp dưới 2m, cao trình ở vùng trũng chỉ từ 0 - 5m nên luôn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của triều cường. Ngoài ra, TP.HCM có 8% diện tích là sông ngòi, kênh rạch khiến thủy triều dễ dàng ảnh hưởng và gây ngập nước. Những năm qua, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, kéo dài, trong khi cống rãnh thường xuyên bị tắc do rác thải sinh hoạt nên TP.HCM luôn bị ngập nặng.

Vì vậy, dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM kiểm soát được triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hạng mục của dự án được triển khai tại quận 1, quận 4, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Khi hoàn thành, dự án còn chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị thông qua hệ thống trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; khống chế mực nước cao nhất phía thượng lưu các cống lớn không cao hơn +1.0m và mực nước cao nhất trên các kênh trục chính ở khu vực trung tâm (cầu Chữ Y, Tân Hóa - Lò Gốm…) không vượt quá +1.3m.

Việc này được thực hiện bằng các cửa van ngăn triều đặt tại các cửa kênh rạch kết nối với sông Sài Gòn và các trạm hỗ trợ bơm nước từ trong nội đồng ra sông, khi có mưa lớn kết hợp triều cao.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến