Dòng sự kiện:
Đưa 2 cô gái vào trung tâm xã hội: Có dấu hiệu của tội giữ người trái pháp luật
30/09/2017 10:41:51
Các luật sư cho rằng, việc cơ quan chức năng đưa 2 cô gái vào trung tâm xã hội là sai và có dấu hiệu lạm quyền.

Liên quan tới sự việc 2 cô gái đi uống cà phê không mang giấy tờ tùy thân và bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các luật sư để tìm hiểu vấn đề này trên phương diện pháp lý.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, đây là sự việc đáng tiếc của cán bộ Công an phường Tam Bình (TP HCM) khi giải quyết sự việc nóng vội mà chưa xác minh thấu đáo.

Theo Luật sư Thơm, việc các cán bộ Công an phường Tam Bình kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân khi đang làm nhiệm vụ là có căn cứ và đúng theo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp công dân không xuất trình giấy tờ do quên mang theo, cơ quan chức năng có thể thực hiện xử phạt hành chính.

Hai cô gái bị đưa vào TT bảo trợ xã hội. Ảnh: VTC News

“Theo quy định tại Điều 9 về vi phạm quy định về quản lý sử dụng Chứng minh nhân dân Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền” – Luật sư Thơm cho hay.

Đề cập thêm về trường hợp này, cơ quan chức năng có thể thực hiện tạm giữ người không mang giấy tờ tùy thân theo thủ tục hành chính được quy định tại nghị định 19/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, thời hạn tạm giữ không được quá 12 giờ. Việc gia hạn chỉ trong trường hợp khẩn cấp nhưng cũng không được quá 24 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người.

Quá thời gian trên, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với người bị tạm giữ. Đồng thời, cơ quan chức năng phải thông báo cho gia đình của người tạm giữ được biết.

Chiếu theo những quy định trên, Luật sư Thơm cho rằng, việc chính quyền phường Tam Bình đưa 2 cô gái về Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội theo diện người vô gia cư là sai và có dấu hiệu lạm quyền.

Còn Luật sư Lê Khắc Hải – Trưởng văn phòng Luật sư Việt Dũng cho biết, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đã được quy định rõ tại nghị định 67/2007/NĐ-CP.

Theo đó, với trường hợp cô gái 16 tuổi chỉ được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng nếu thuộc một trong các đối tượng trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng; có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề…

Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ nhân thân,hoàn cảnh 2 cô gái trẻ nêu trên trước khi quyết định đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.

“Lấy ví dụ, trong trường hợp nghi ngờ các cô gái làm nghề bán dâm thì cơ quan chức năng cũng phải bắt quả tang và không xuất trình hay chứng minh được nhân thân thì mới đưa vào trung tâm xã hội được. Phường làm như vậy là quá coi thường pháp luật. Điều này cho thấy việc đưa người vào trung tâm bảo trợ xã hội phải có căn cứ rõ ràng” –Luật sư Hải cho hay.

Trước đó vào ngày 29/9, ông Võ Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM đã chủ trì buổi họp báo thông tin chính thức về vụ việc chị Nguyễn Thị Tuyết N. (21 tuổi), quê tỉnh Tiền Giang và Nguyễn Thị K. (16 tuổi), quê tỉnh Đồng Nai bị lập hồ sơ đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội theo diện sinh sống nơi công cộng, không nơi nương tựa ổn định.

Người đứng đầu Đảng ủy phường Tam Bình cho rằng, trong quá trình làm việc, cán bộ phụ trách đã có những sơ suất dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Trong khi đó, Trung tá Huỳnh Văn Dư, Trưởng Công an phường Tam Bình cũng cho hay, với vai trò lãnh đạo, ông nhận thiếu sót và trách nhiệm, khuyết điểm vì để xảy ra vụ việc.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến