Dòng sự kiện:
Dùng tiền ngân sách tăng vốn ngân hàng có phá rào?
26/04/2019 17:00:32
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4, NHNN Việt Nam đã có báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, có một điểm rất khó khăn với bốn ngân hàng thương mại nhà nước, đó là vấn đề tăng vốn.

Bà Hồng nhấn mạnh rằng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Theo Phó thống đốc, khó khăn nằm ở chỗ Nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn nói trên cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước.

Đây cũng không phải lần đầu tiên kiến nghị sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước được đề cập. Trước đó, tại một số hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn.

Tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, BIDV, và Vietcombank đang là nhu cầu cấp bách của nhóm “big 4” ngân hàng. Ngay ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2019), Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu cần có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối; Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II; Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Cách đây không lâu, tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng diễn ra giữa tháng 1/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ đặt vấn đề tăng vốn cho VietinBank giai đoạn này là “vấn đề đặc biệt cấp bách” khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu trong bối cảnh ngân hàng này đã khai thác kiệt các biện pháp tăng vốn tự có (cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2). Chính vì vậy, từ tháng 9/2018, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng.

Cũng theo ông Thọ, phương án tăng vốn của VietinBank đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đề nghị bố trí vốn để tăng vốn điều lệ, VietinBank cũng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2017 - 2020 và giữ lại lợi nhuận tăng vốn. Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận tăng vốn cũng được các ngân hàng còn lại tính đến.

Khó khăn không kém là Agribank, việc tăng vốn của nhà băng này gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa. Trong khi hiện tiến trình cổ phần hóa của Agrribank đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu định giá doanh nghiệp cho tới việc tìm cổ đông chiến lược… Do chậm cổ phần hóa nên hiện nhà băng này có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm “big 4”. 

Theo tính toán của Moody’s, nếu không tăng được vốn, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì mức 6,9% như cuối năm 2017. “Việc cơ cấu vốn tiếp tục suy yếu sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng quốc doanh và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng”, Moody’s cảnh báo.

Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết cuối tháng 2/2019 là 2,09%. Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2018 ở mức 5,85%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến