Dòng sự kiện:
Chào lãi 15%, trái phiếu Xi măng Bạch Đằng vẫn ‘ế’ nặng
17/07/2020 21:09:01
Dù đã đẩy mức lãi suất phát hành lên 15%, nhưng Xi măng Bạch Đằng không thể huy động nổi một đồng trái phiếu.

Dù có mức lãi suất lên đến 15%, Xi măng Bạch Đằng không huy động nổi 1 đồng trái phiếu (Ảnh minh họa: Internet)

Vừa qua, CTCP Xi măng Bạch Đằng (Xi măng Bạch Đằng) thông báo phát hành 35 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm. Mệnh giá trái phiếu là 500 triệu đồng/trái phiếu.

Được biết, đây là loại trái phiếu chuyển đổi, có lãi suất lên đến 15%, mức rất cao so với mặt bằng chung.

Việc Xi măng Bạch Đằng phải đẩy mức lãi suất cao đến vậy, chắc hẳn là bởi lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Về phương thức thực hiện quyền, thời điểm thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu đang nắm giữ (không thực quyền/chuyển đổi một phần/chuyển đổi toàn bộ khối lượng trái phiếu) là sau 24 tháng kể từ ngày phát hành; Giá chuyển đổi được xác định bằng mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ chuyển đổi là 1:5.000.

Lô trái phiếu kể trên được định danh là đợt 1 (mã BACHDANG01_2020). Do vậy, không loại trừ khả năng Xi măng Bạch Đằng sẽ tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu trong thời gian tới.

Được biết, CTCP Chứng khoán Nhất Việt là bên thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu của Xi măng Bạch Đằng.

Định danh Xi măng Bạch Đằng

Xi măng Bạch Đằng được thành lập vào ngày 13/3/2007, đóng trụ sở tại thôn Thủy Minh, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao.

Tính đến tháng 8/2016, công ty có vốn điều lệ đạt 389 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Hữu Cung (33%), Nguyễn Duy Hùng (60%) và Nguyễn Văn Hương (7%).

Hiện tại, công ty có Tổng Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật là ông Đào Hải Mạnh. Một dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, ông Mạnh đang sở hữu 3,501 triệu cổ phần Xi măng Bạch Đằng, tương đương tỷ lệ 90% vốn doanh nghiệp.

Giới đầu tư biết đến ông Hải Mạnh là cựu cổ đông lớn nhất, nắm 80% vốn CTCP Thương mại và Dịch vụ Phú Minh Sơn. Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, với ngành nghề kinh doanh chính là: xây lắp, khai thác đá, sản xuất xi măng, kinh doanh ô tô…Ngoài ra, website doanh nghiệp cũng giới thiệu sở hữu Nhà máy sản xuất xi măng tại Hải Phòng “với công suất lên tới 1,2 triệu tấn/năm”.

Dù vậy, ông Hải Mạnh đã thoái hết vốn tại Phú Minh Sơn vào tháng 3/2017. Vị trí Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật được đổi sang ông Vũ Văn Luật.

Hiện tại, ông Mạnh đang sở hữu 10,5 triệu cổ phần CTCP Xử lý rác thải và Năng lượng EU – chủ sở hữu Dự án Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt EU - CONCH VENTURE THÁI NGUYÊN; Tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Được biết, CTCP Xử lý rác thải và Năng lượng EU vào ngày 25/10/2019 đã hành thành công 40 tỷ đồng trái phiếu cho CTCP Tài chính Điện lực. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm (là 100% vốn cổ phần công ty, 15 triệu cổ phần) và không kèm chứng quyền, lãi suất 11,3%, kỳ hạn là 3 năm. Bên thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu này cũng là CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Trở lại với Xi măng Bạch Đằng, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, công ty là chủ sở hữu Nhà máy xi măng Liên Khê (tại xã Gia Minh, TP Hải Phòng) - dự án này được UBND TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 25/5/2007.

Hình ảnh nhà mát xi măng Liên Khê (Ảnh: Internet)

Theo Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, dự án đầu tư xi măng Liên Khê có công suất 0,35 triệu tấn xi măng/năm.

Ngày 29/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch 1488). Trong đó, bao gồm dự án xi măng Liên Khê, Hải Phòng với công suất 1,2 triệu tấn xi măng/năm và dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Dẫu nhận được ít nhiều sự kỳ vọng, dự án nhà máy Liên Khê (cùng 4 dự án khác) bị Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đưa vào danh sách đề xuất UBND Thành phố thu hồi (khoảng năm 2014). Lý do được nêu nói chung là “Do nhà đầu tư kém năng lực, không đủ vốn để chi trả bồi thường, hoặc đã được giao đất nhưng nhiều năm nay chưa triển khai dự án, hoặc triển khai dự án cầm chừng”.

Đến tháng 7/2017, truyền thông tiếp tục phản ánh Xi măng Bạch Đằng chưa tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất xi măng.

Cựu cổ đông lớn Xi măng Bạch Đằng, ông Nguyễn Duy Hùng từng cùng vợ là bà Đoàn Thị Hoa Quỳnh nợ BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội (tính đến hết ngày 20/6/2019) là 40,15 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 18,6 tỷ; dư nợ lãi là hơn 18 tỷ; lãi phạt gần 3,4 tỷ.

Vào tháng 7/2019, BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội đã thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ nói trên gồm: 2 mảnh đất của ông Nguyễn Văn Để, bà Nguyễn Thị Quế tại TP.Hải Phòng với diện tích lần lượt là 779 m2 và 414 m2.

Giá khởi điểm bán đấu giá khoản nợ là hơn 19 tỷ đồng.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến