Dòng sự kiện:
Đường dư cung tồn kho báo động
23/05/2017 18:46:41
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường đường luôn bất ổn, nhưng khó khăn lớn nhất của DN mía đường là cạnh tranh với đường nhập lậu và gian lận thương mại...

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đến tháng 5/2017 niên vụ mía đường 2016 - 2017 bắt đầu kết thúc. Đã có con số sản lượng cụ thể trong niên vụ là gần 1,1 triệu tấn đường từ mía ép và trên 210 nghìn tấn đường sản xuất từ đường thô. Điều này trái với dự đoán từ cuối năm 2016 là cân đối cung cầu đường trên thị trường nội không có biến động lớn, lượng đường tồn dư vào cuối kỳ chỉ khoảng 150 nghìn tấn.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay sức tiêu thụ đường trên thị trường chậm, đã khiến lượng đường tồn kho cho đến nay (15/5/2017) lên đến 717 nghìn tấn, ở cả ba miền Bắc Trung Nam. Đây là số lượng tồn kho bất thường, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (tồn kho năm 2016 trở về trước cao nhất là 500 nghìn tấn). DN ngành mía đường lại lâm vào tình trạng khó khăn, bởi cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều bế tắc.

Theo VSSA, hiện nay thị trường tiêu thụ đường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (nhập theo đường tiểu ngạch qua biên giới) gần như ngưng không mua đường Việt Nam mà chuyển sang tiêu thụ đường Thái Lan. Tuy không xuất khẩu chính ngạch nhưng thị trường Trung Quốc tiêu thụ lượng đường lớn từ Việt Nam, có lúc lên 800 tấn - 1.000 tấn đường/ngày.

Đến nay, nước này đã hạn chế tối đa việc nhập khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường tại các cửa khẩu khu vực Quảng Tây, giáp biên giới Lào, Việt Nam. Thay vào đó, nước này nhập  khẩu chính ngạch đường Thái Lan, bởi đường Thái Lan có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn đường Việt Nam nhưng giá bán lại rẻ hơn.

Đặc biệt vụ mía đường 2016 - 2017 của Thái Lan vừa kết thúc với 9,86 triệu tấn đường, giá đường Thái Lan tiêu thụ nội địa không thấp hơn giá đường Việt Nam, nhưng vì ngành mía đường của họ được nhà nước bảo hộ (Chính phủ chi đầu tư nghiên cứu giống mía ưu việt mới, nhà nông Thái được vay vốn lãi thấp dưới 2%/năm…), nên giá đường xuất khẩu thấp hơn của Việt Nam.

Ngoài ra, đường Thái Lan không chỉ tăng xuất khẩu vào Trung Quốc, mà còn nhập lậu số lượng lớn vào thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua, khiến ngành mía đường Việt Nam luôn chịu sức ép tồn kho mà giá cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty mía đường 1 tỉnh Trà Vinh, là một ngành lớn, nhưng mía đường Việt Nam chưa thể mạnh, bởi năm nào DN ngành mía đường cũng gặp khó khăn do dư cung trên thị trường, nhưng không thể giảm giá bán vì lỗ nặng. Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường đường luôn bất ổn, nhưng khó khăn lớn nhất của DN mía đường là cạnh tranh với đường nhập lậu và gian lận thương mại.

Cụ thể, hàng năm đường lậu từ Thái Lan, Lào, Campuchia… tràn vào Việt Nam đến vài trăm tấn, giá bán ngày càng rẻ hơn đường Việt Nam. Và khoảng cách giá đến nay càng được nới rộng ra, ví dụ giá đường Thái bán sỉ trước đây thấp hơn đường Việt Nam từ 500 đồng - 1.000 đồng/kg, thì nay giá đường Thái thấp hơn đường Việt Nam từ 800 đồng - 1.500 đồng/kg.

Đường nhập lậu không chỉ vào Việt Nam qua các cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) mà còn từ việc gian lận thương mại thông qua việc tạm nhập, tái xuất (đường Thái đăng ký nhập cảng Việt Nam chờ tái xuất, nhưng là tuồn ra tiêu thụ).

Đã có nhiều giải pháp để giúp ngành đường Việt Nam vượt khó. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải, nếu không ngăn chặn được đường nhập lậu, gian lận thương mại, thì ngành mía đường trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực tồn kho.

Bởi hiện nay, việc gian lận thương mại còn tinh vi đến mức, nhiều DN đăng ký sản xuất đường nhưng thực chất là mua đường Thái Lan về đóng bao bì hàng Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ. Mặt khác, DN chế biến bánh kẹo trong nước vẫn nhập khẩu đường về chế biến, với lý do đường sản xuất trong nước chưa đạt chất lượng.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến