Dòng sự kiện:
Giải tỏa 'điểm nghẽn' cho bán vốn Nhà nước
18/03/2018 18:00:46
Với nhiều quy định mới, kỳ vọng Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sẽ giúp cho quá trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp minh bạch.

Nhiều quy định mới về phương thức bán vốn

Trong nhiều sự kiện gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn dẫn kết quả thoái vốn tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) như là hình mẫu thành công của các đợt thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Việc bổ sung phương pháp bán thỏa thuận với doanh nghiệp ngoài sàn và dựng sổ được kỳ vọng sẽ góp phần tối ưu hóa hiệu quả của các đợt bán vốn nhà nước.

Một trong những yếu tố giúp cho các đợt thoái vốn trên thành công, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, là thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nói chung, về các đợt thoái vốn nói riêng được công khai rộng rãi ra thị trường, thuận lợi cho nhà đầu tư nắm bắt.

Để gia tăng tính minh bạch cho hoạt động thoái vốn Nhà nước, nhất là hoạt động này đang được thúc đẩy, đồng thời giải tỏa nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thoái vốn đang bộc lộ, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018 (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018) với nhiều điểm mới.

Theo đó, điểm mới đầu tiên là bổ sung quy định về phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Riêng việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.

Quy định này đã giải tỏa một vướng mắc lớn lâu nay như phản ánh của doanh nghiệp, cũng như đơn vị tư vấn là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không được thoái vốn theo hình thức thỏa thuận ngoài sàn với mức giá nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn giá trên sàn, dẫn đến vừa gây khó cho nhà đầu tư tiếp cận mua cổ phần, vừa khiến cổ đông nhà nước khó thu được lợi ích cao.

Theo đó, khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự: Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn)...

Ngoài việc mở ra cơ hội bán vốn theo phương thức thỏa thuận cho các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, một phương pháp bán vốn mới đã được định hình tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP, đó là phương pháp dựng sổ (book building). Chính phủ yêu cầu việc áp dụng phương pháp này khi chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải đánh giá được hiệu quả so với phương án chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu đấu giá công khai, hoặc khi giao dịch trên sàn.

“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn bán vốn theo phương pháp dựng sổ, để phấn đấu áp dụng trong năm 2018”, ông Tiến cho hay.

Ông Tiến cũng chia sẻ thêm, việc lần đầu tiên Việt Nam cho phép áp dụng phương pháp bán vốn mới này sẽ giúp cho hoạt động bán vốn bám sát tín hiệu của thị trường, cũng như nhu cầu của nhà đầu tư hơn. Qua đó, vừa mang lại hiệu quả thoái vốn cao hơn cho Nhà nước, đồng thời mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn, minh bạch cho giới đầu tư trong và ngoài nước.

Tránh thiệt cho cổ đông nhà nước

Để tránh tình trạng ban lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sử dụng quyền nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp để quyết việc để lại lợi nhuận, không chia cổ tức như từng xảy ra tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thời gian qua, ông Tiến cho biết, Nghị định 32/2018 đã bổ sung quy định mới theo hướng quy trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm để tham gia biểu quyết, quyết định tại ĐHCĐ, cuộc họp của Hội đồng thành viên theo quy định. Trước khi chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại ĐHCĐ, cuộc họp hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản xin ý kiến gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp.                    

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến