Dòng sự kiện:
Giám sát chặt hoạt động cho vay bất động sản để chặn nợ xấu và phát triển 'nóng'
11/03/2018 05:31:07
Sở Xây dựng và Hiệp hội BĐS thành phố đã tổ chức Diễn đàn phát huy vai trò của DN BĐS trong triển khai thực hiện đề án.

Nhằm góp phần thực hiện Đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 9/3, Sở Xây dựng và Hiệp hội BĐS thành phố đã tổ chức Diễn đàn phát huy vai trò của DN BĐS trong triển khai thực hiện đề án trên.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Lê Hoàng Châu bày tỏ kỳ vọng trước thông tin vốn FDI đầu tư vào BĐS đã đạt 8,5% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam; chiếm tỷ lệ cao thứ 3 của cả nước, thứ 2 tại thành phố và 2 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI đầu tư vào BĐS cả nước tiếp tục tăng lên mức 9,3%.

Cùng lúc, số lượng DN ngoại hợp tác đầu tư với DN BĐS trong nước tiếp tục tăng lên rất nhanh. Từ đó 1.200 dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn sẽ góp phần tích cực trong quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố cũng như giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Chuyên gia này còn cho biết, sẽ có khoảng 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý từ nay đến năm 2020, trong đó 60 - 70% khoản nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS. Chỉ cần xử lý được 80% số nợ xấu này, sẽ có hàng trăm dự án được mua bán, sáp nhập với giá trị khoảng 150 ngàn tỷ đồng được vận hành trở lại thị trường BĐS.

Tuy nhiên, ông Châu cũng đưa ra một loạt các khuyến cáo với DN BĐS như cần tăng cường vốn chủ sở hữu để giảm dần việc lệ thuộc vào vốn tín dụng; xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện thu hút vốn ngoài xã hội; tăng cường liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS mạnh…

Theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường BĐS - Sở Xây dựng thành phố, ngoài những kết quả tích cực, thị trường BĐS thành phố những năm qua còn nhiều tồn tại, hạn chế như công tác quản lý và chia sẻ dữ liệu thị trường BĐS chưa đáp ứng nhu cầu; công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị liên quan đến thị trường BĐS thiếu tính đồng bộ và thực tế; thị trường còn thiếu minh bạch; tín dụng mất cân đối; nguồn thu từ BĐS có xu hướng giảm; có sự khác biệt giữa cung và cầu…

Từ đó, Đề án phát triển thị trường BĐS thành phố đã đưa ra một loạt các nhóm giải pháp, nhiệm vụ về đất đai, quy hoạch, xây dựng; về tài chính và kiểm tra, giám sát liên quan đến vấn đề quản lý đô thị…

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, chính việc dự báo dân số và phân bổ dân số không sát với thực tế khiến cho quy hoạch đô thị sớm trở lên lạc hậu; quy hoạch thường phải chạy theo quá trình đô thị hóa.

Nêu ra 3 yếu tố tác động trực tiếp đến BĐS là đất đai, tài chính và khung pháp lý, GS Richard Peiser, Trường Đại học kiến trúc Harvard cho rằng, theo xu thế chung, chu kỳ tăng giảm của thị trường BĐS là không thể tránh khỏi. Do đó cần phải giám sát chặt hoạt động cho vay BĐS từ ngân hàng để chặn nợ xấu và việc phát triển ồ ạt nguồn cung.  

Theo Công an Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến