Dòng sự kiện:
Gian nan xử lý nợ xấu
14/07/2018 06:00:36
Nợ xấu của ngành ngân hàng không còn là mối lo lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ xấu của ngành ngân hàng tùy thuộc rất lớn vào từng khối ngân hàng.

Có thể nói, Nghị quyết 42 trở thành "cây gậy" dẫn lối cho hoạt động xử lý nợ xấu, một hoạt động khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, để hình thành thị trường mua bán nợ, cần làm rất nhiều việc và cần sự vào cuộc của rất nhiều bộ ngành.

Hơn nữa, sự phục hồi của các ngân hàng sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2018-2019, chất lượng tài sản sẽ tốt lên và hoàn nhập được dự phòng lớn, lợi nhuận cũng được kỳ vọng ở mức tích cực hơn so với những năm trước, trừ một số ngân hàng nhỏ, yếu kém khó có thể phục hồi.

Theo đánh giá mới đây của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tập trung ở các NHTM yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số NHTM vẫn còn khá lớn.

Ảnh minh họa

NFSC cũng đánh giá, năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC, xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.

Bên cạnh những tín hiệu tốt toàn ngành ngân hàng, còn đó những  vướng mắc từ phía các nhà băng. Qua quan sát cho thấy nhiều nhà băng thời gian qua vẫn còn đang rất khó khăn, chật vật với các khoản nợ xấu lớn, đặc biệt trong việc đấu giá tài sản đảm bảo.

Vào đầu năm 2018, Sacombank thông báo đã bán đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ. Đây là một trong những trường hợp thành công tiêu biểu trong xử lý tài sản bảo đảm kể từ khi có Nghị quyết 42.

Tuy nhiên để có kết quả này, 2 lần bán công khai của ngân hàng đều thất bại và phải giảm giá tới 900 tỷ đồng mới thành công. Đồng thời Sacombank không nhận được ngay luôn 9.200 tỷ đồng mà chỉ nhận được 920 tỷ đồng tiền đặt cọc, số tiền còn lại 8.280 tỷ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn 2 năm đầu và phí trả chậm 7,5%/năm.

Không được may mắn như Sacombank khi xử lý được khối tài sản khủng trên, nhiều ngân hàng lớn khác đang phải chật vật với khâu đấu giá khi dù giảm giá mạnh, phân tách tài sản theo nhóm để đấu giá vẫn chưa kết quả.

Agribank từ đầu năm đến nay đã phải nhiều lần hạ giá khởi điểm cho các tài sản bảo đảm, số lần thông báo đấu giá cùng 1 tài sản đến 4, 5 lần. Gần nhất, nhà băng này đã phải giảm giá chào bán tới 77 tỷ đồng xuống còn 207 tỷ cho loạt tài sản đảm bảo của Công ty CP Khoáng sản Miền Trung. Chỉ trong năm nay, Agribank đã thông báo đấu giá cho tài sản này tới 3 lần, mỗi lần giá lại giảm một ít nhưng vẫn chưa nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra mua. Số nợ xấu mà Khoáng sản Miền Trung để lại tại Agribank lên tới 230 tỷ đồng, cả gốc lẫn lãi.

Chật vật với Khoáng sản Miền Trung vẫn chưa xong, Agribank còn liên tục chào bán tài sản của công ty LifePro nhưng mãi không thành. Đã là lần thứ 5 Agribank tổ chức chào bán, giá giảm 55 tỷ đồng so với lần đầu tiên, thậm chí quyết tâm hơn khi chấp nhận cả phương án đấu giá theo nhóm tài sản; phiên đấu giá dự kiến mới đây vẫn phải lùi lại.

Hay như BIDV cũng đang đẩy mạnh siết nợ các tài sản bảo đảm của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cho khoản nợ gốc 1.208 tỷ đồng và dư nợ lãi 1.070 tỷ đồng. Giá khởi điểm ban đầu được đưa ra là 845 tỷ đồng nhưng BIDV đã quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ vì không ai mua.

Một số ý kiến cho rằng, việc liên tục điều chỉnh giá chào bán, hoãn phiên đấu giá nhiều lần cho thấy định giá tài sản của các ngân hàng vẫn còn chưa chuẩn, khiến việc xử lý nợ xấu kéo dài, mất thời gian và công sức.

Còn một số ý kiến khác thì cho rằng, không chỉ vấn đề xác định giá tài sản đảm bảo, ngân hàng hiện còn vướng mắc không ít ở tình trạng ách tắc khâu kê khai thuế, nộp thuế; hay các khoản vay có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử khiến việc xử lý tài sản bảo đảm kéo dài,…

Theo các chuyên gia, để việc mua bán nợ xấu hay kể cả nợ không xấu theo giá thị trường được thuận lợi, điều kiện quan trọng là phải phát triển thị trường mua bán nợ. Muốn có giá thị trường thì trước hết phải có thị trường, mà ở Việt Nam hiện nay chưa có thị trường mua bán nợ thực sự. 

Ngoài ra, song song với quá trình xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng khuyến cáo phải thận trọng với nợ xấu mới phát sinh và nợ xấu giảm không thực chất. Thời gian qua, do áp lực cần nguồn lực để xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng tập trung đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, là lĩnh vực có tỷ lệ lợi nhuận cao nhưng rủi ro nợ xấu cũng lớn. 

Theo NFSC, dự kiến năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng, tình hình doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và thị trường bất động ản tiếp tục được cải thiện, khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo dần được cải thiện.

Thu Hà

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến