Dòng sự kiện:
Giáo viên vùng cao Thanh Hoá xin chuyển công tác: Những lá đơn tay viết sẵn...
19/08/2017 20:02:08
Khi cả nước đang háo hức chuẩn bị cho năm học mới thì ở Mường Lát nhiều giáo viên lại làm đơn xin chuyển công tác. Đa số họ là những giáo viên miền xuôi, đã gắn bó với bản từ 5 đến 25 năm.

Những trăn trở của giáo viên bám bản

Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản cho phép các ngành, địa phương tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định hiện hành.

Sau khi có công văn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát đã nhận được hồ sơ xin chuyển công tác của 63 giáo viên ở 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Trong số những giáo viên ở huyện Mường Lát xin chuyển công tác, có những trường có tới 50% giáo viên xin thuyên chuyển như Trường tiểu học Trung Lý 1 với 12/24 giáo viên, Trường tiểu học Tây Tiến (Mường Lý) có 7 giáo viên... Hầu hết đây là những giáo viên từ các huyện khác lên Mường Lát công tác, xa gia đình nhiều năm.

Lê Thị Thương giáo viên Trường Trung Tiến 1, thuộc trường tiểu học Tây Tiến đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều

Khi hết nghĩa vụ 5 năm, có những thầy cô đã làm đơn xin chuyển nhưng không được. Họ thường viết sẵn rất nhiều lá đơn giống nhau, nhưng chưa ghi ngày tháng, để mỗi năm gửi lên Phòng giáo dục 1 lá, với mong muốn sớm được chuyển về quê hương, có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Thầy Hà Minh Tuốt, giáo viên khu Sài Khao, thuộc trường tiểu học Tây Tiến chia sẻ: “Chúng tôi lên đây công tác xa xôi, khó khăn nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng được. Hơn nữa, chúng tôi phải công tác xa nhà, có khi cả tháng trời mới được gần vợ con 1, 2 ngày...”

Trong tổng số 63 giáo viên xin chuyển, đa số họ đều có hoàn cảnh giống nhau, đều có cha mẹ già neo đơn, con nhỏ. Nếu xem xét đúng thì tất cả các giáo viên kể trên đều có lý do chính đáng để được ký xác nhận cho chuyển công tác.

Để lên được điểm trường Trung Thắng, Sài Khao, các thầy cô phải vượt hơn 15km đường rừng

Cô Nguyễn Thị Hiền giáo viên trường tiểu học Tén Tằn cho biết: “Hiện tôi đã công tác ở đây 13 năm, ngoài những chế độ được hưởng như các giáo viên khác, giáo viên ở Tén Tằn còn được phụ cấp thêm 20% biên giới, nhưng so với tiền xăng và tiền sửa xe thì vẫn chưa đủ...”.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, những thầy cô giáo bám bản ở đây còn thiếu thốn rất nhiều về tình cảm. Hàng ngày sau buổi lên lớp, họ không còn biết nói chuyện với ai. Lâu lâu mới có các anh biên phòng đi qua ghé vào thăm. Những lần vào thăm như vậy như một nguồn động viên, an ủi rất lớn đối với các thầy cô.

Thầy Lê Văn Nam, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Tiến cho biết: “Hàng ngày, chỉ có mấy anh em nhìn mặt nhau rất chán, lâu lâu mới có những đoàn công tác, hay bộ đội đi qua. Họ đem đến cho chúng tôi rất nhiều thứ, nào là cá khô, nào là kẹo... đặc biệt là tình yêu, và động lực”.

“Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, dù đường xá đi lại khó khăn, nhưng chỉ cần cho chúng tôi có sóng điện thoại để có thể nắm bắt thông tin bên ngoài, khi nào buồn còn lên facebook đọc tin cho đỡ chán thì sẽ tốt hơn cho những thầy cô ở bản như chúng tôi...” Thầy Nam cho biết thêm.

Hoang mang vì cơ chế bỏ biên chế

Khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục trình Quốc hội thảo luận về cơ chế bỏ biên chế trong giáo dục đã làm dậy lên một làn sóng mạnh mẽ trong dư luận, đặc biệt là những người làm nghề “gõ đầu trẻ”. Trong số đó có cả những thầy cô giáo đang bám bản ở đây.

Cô Ngô Thị Hương, giáo viên trường tiểu học Trung Lý 1 rầu rĩ cho biết: “Thầy cô giáo vùng cao như chúng tôi vất vả không kém các chiến sĩ công an, biên phòng. Trong khi chế độ đãi ngộ thì không nhiều. Chúng tôi ở miền xuôi lên đây, mong muốn được biên chế để ổn định cuộc sống. Nay mà bỏ biên chế chắc chúng tôi bỏ nghề...”.

Tại các điểm trường ở khu chính, muốn có sóng điện thoại phải có kẹp giữ cho vững, chỉ cần lệch một chút sẽ mất hết sóng

Ở những nơi biên cương của tổ quốc, các thầy cô giáo không chỉ đơn thuần là người dạy chữ cho trẻ, mà quan trọng hơn, họ còn phối hợp với những chiến sĩ biên phòng giúp cho nhân dân có cuộc sống ổn định, sống theo Hiến pháp và pháp luật.

Ông Lê Huy Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn cho biết: “Nhiều hôm đi tuần trên bản, vào chơi với các thầy cô ở đây mới hiểu được sự vất vả của họ. Họ gần như trở thành linh hồn của làng. Nhà nào có em bị ốm, hay hết cơm ăn... đều sang nói với cô. Chính vì lẽ đó vai trò của người thầy, người cô ở trong bản rất quan trọng. Đôi khi chúng tôi đến vận động bà con chưa chắc họ đã nghe, nhưng thầy cô đã nói thì họ răm rắp làm theo...”.

Ông Tống Văn Tới, Phó Phòng Giáo dục huyện Mường Lát cho biết: “Hàng năm, chúng tôi vẫn nhận được đơn xin chuyển trường của các thầy cô ở đây. Tuy nhiên chỉ vài trường hợp. Năm nay phòng tiếp nhận 63 đơn của thầy cô, sở dĩ nhiều đơn xin chuyển công tác là vì UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản cho địa phương tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển cán bộ, công chức. Ngoài ra các thầy cô còn hoang mang trước cơ chế bỏ biên chế trong giáo dục”.

“Trong những cuộc trao đổi riêng với các thầy cô, có người tâm sự, nếu bỏ biên chế, thà rằng họ xin nghỉ đi làm công ty. Tôi lo lắng, nếu áp dụng bỏ biên chế ở đây, các thầy cô bám bản sẽ bỏ nghề hết”, ông Tới chia sẻ.

Hà Khải

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến