Dòng sự kiện:
Giữa tâm bão sai phạm, VEAM vẫn đề nghị được niêm yết cổ phiếu lên sàn
28/05/2019 15:00:06
Giữa lúc doanh nghiệp bị kết luận mắc nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, VEAM vẫn đề nghị niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phần VEA trên HoSE.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-HĐQT ngày 24/5/2019 của HĐQT về việc điều chỉnh thời gian tổ chức họp ĐHCĐ, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán: VEA) sẽ tổ chức ĐHCĐ năm 2019 vào ngày 30/6 thay cho lịch tổ chức cũ là ngày 31/5. Thời gian chốt danh sách cổ đông dự họp là 13/6.

Lý do việc thay đổi thời gian tổ chức ĐHCĐ để VEAM có đủ thời gian chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc phân phối lợi nhuận năm 2018 và hồ sơ liên quan đến bầu bổ sung thành viên HĐQT. 

Giữa tâm bão sai phạm, VEAM vẫn đề nghị được niêm yết cổ phiếu lên sàn

Theo tài liệu ĐHCĐ đã công bố trước đó, hội đồng quản trị VEAM đã gửi tờ trình xin cổ đông việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phần VEA trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).

Trước đó, năm 2018, VEAM cũng đã có tờ trình xin ý kiến về việc lên sàn chứng khoán nhưng bị HoSE từ chối do chưa do chưa đạp ứng được yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.

Mục đích của việc niêm yết số cổ phiếu lần này, theo Hội đồng quản trị VEAM, là để tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu, nhầm nâng cao tính minh bạch hiệu quả trong hoạt động và quản trị, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu VEAM trên thị trường.

Hiện cổ phiếu của công ty đang giao dịch trên Upcom với thị giá xoay quanh ngưỡng 51.000 đồng, tương ứng với vốn hóa thị trường đạt gần 70.000 tỷ đồng. 

Cũng theo tài liệu trình cổ đông, năm 2019, VEAM dự kiến doanh thu khoảng 2.398 tỷ đồng, giảm 18% so 2018 nhưng lợi nhuận tăng trưởng 23%, lên 6.402 tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, VEAM vẫn tồn tại nhiều vấn đề về quản lý tài sản và công tác cán bộ. Cụ thể, theo kết luận mới được Thanh tra Bộ Công Thương công bố, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM hằng năm đều có lãi, song thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda…) mang lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Cùng thời điểm này, VEAM công bố thông tin lên Ủy ban chứng khoán nhà nước về việc Hội đồng quản trị có nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM với ông Trần Ngọc Hà. 

Việc ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức vụ tổng giám đốc liên quan tới việc cuối năm 2017, ông này tự quyết định và giao Giám đốc nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ô tô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua Hội đồng quản trị.

Trong các văn bản giải trình sau đó, VEAM cho rằng việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có thiếu sót về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Sau khi ông Hà bị bãi nhiệm, ông Ngô Văn Tuyển, thành viên hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm thay thế, là người đại diện pháp luật của VEAM.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến