Dòng sự kiện:
G.S Nguyễn Anh Trí nghỉ hưu: 'Cuộc chuyển giao quyền lực văn minh nhất ở Viện máu'
04/10/2017 07:20:08
Với rất nhiều những dự định ấp ủ sau khi thôi giữ chức vụ Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, về hưu nhưng giáo sư Nguyễn Anh Trí còn bận rộn hơn gấp bội.

Nỗi lòng người Viện trưởng sau giây phút chia ly

Từ ngày 1/10, giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính thức nghỉ hưu. Ông đảm nhận chức vụ này từ tháng 5/2003 đến tháng 9/2017. Hơn 30 năm công tác trong ngành Y tế, trong đó có 14 năm giữ chức Viện trưởng, ông đã trở thành “người hùng” trong lòng bệnh nhân và người nhà bởi tài năng và y đức.

Ngoài phút giây chia tay đẫm nước mắt của hàng nghìn nhân viên viện máu và các bệnh nhân trong buổi lễ chào cờ ngày 2/10, giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ thêm: “Nửa đêm tôi nhận được điện thoại của một người đồng nghiệp trẻ, cậu ấy gọi “bác ơi, con không thể nào ngủ được, trong cuộc đời của con mỗi bước chân đều hiện hữu bóng hình bác”. Rồi anh Ngọc lái xe nhắn tin bảo: “anh ơi, em khóc đây, đêm nay anh cho em khóc trọn đêm để đến ngày mai em nhẹ lòng làm việc”. Tôi ứa nước mắt khi tôi bước ra đến cổng viện thì 5 cháu nhỏ chạy ùa ra vây quanh tôi líu ríu: “Ông Trí, ông Trí sắp về hưu”.

Tên bác sĩ Trí không còn trên lịch phân công công việc, chiếc ghế ông ngồi ăn trưa hàng ngày nay vắng bóng, ông cũng không còn là người chủ trì cuộc họp giao ban… Tất cả những điều đó khiến cho những người đồng nghiệp thấy trống vắng, hụt hẫng.

“Có những người ở xa xôi mà tôi chưa hề quen biết cũng làm tặng tôi mấy bài thơ”, giáo sư tâm sự.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí

Nói về cuộc chia tay đầy quyến luyến của hàng nghìn bệnh nhân, nhân viên Viện Máu Trung Ương dành cho ông, giáo sư Nguyễn Anh Trí xúc động: “Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và cảm động. Nhưng tôi không ngạc nhiên bởi trên thực tế đã hàng chục năm nay Viện chúng tôi vẫn đối xử với nhau như vậy, chẳng qua là chưa có dịp để tập trung lại. Thạc sĩ Hoàng Thanh Nga, phó trưởng khoa Huyết thanh học viết cho tôi những dòng thư như thế này: “Thầy ơi, hôm nay cả viện đều bị đau mắt đỏ, bọn em không làm việc được. Trời cũng buồn tuôn mưa”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí đưa tay lên dụi mắt khi nói về cảm xúc khi phải rời xa mái ấm gắn bó suốt 14 năm trời, ở nơi đó có những người hết mực thương yêu ông và ông cũng hết mực thương yêu họ. Tập thể này đã cùng với ông trong những năm tháng qua vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, rất nhiều trở ngại để có thể đạt được những thành công như ngày hôm nay.

Ba ngày nghỉ hưu với ông là ba ngày chống chếnh, chao đảo với quá nhiều thay đổi. Mặc dù ông đã lên Hòa Bình để tìm một vài ngày tĩnh lặng nhưng có lẽ phải mất cả tháng trời nữa cuộc sống của ông mới ổn định lại được.

“Nhưng bên cạnh đó, tôi còn cảm thấy rất mãn nguyện, không còn nuối tiếc điều gì nữa. Tôi mãn nguyện về những thành tích mình làm được, đặc biệt mãn nguyện về những thành công của Viện huyết học truyền máu Trung ương trong thời gian tôi làm Viện trưởng. Như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế là tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, bác sĩ Trí hồ hởi.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí dự định sẽ làm công việc nghiên cứu, thiện nguyện sau khi về hưu.

Và những ấ ủ phía sau

Giáo sư Nguyễn Anh Trí là linh hồn của ngành huyết học, truyền máu Việt Nam. Đồng thời ông đã tạo ra một cú lột xác ngoạn mục cho Viện Huyết học truyền máu Trung ương cả về cơ sở vật chất và nhân lực. Như nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần và đội ngũ cán bộ công nhân viên từ 86 người lên 922 người. “Quan trọng nhất 922 người ấy là một khối đại đoàn kết, đồng lòng, trẻ, nhiệt huyết và trình độ cao”, ông khẳng định.

Ông và những cộng sự của mình đã đưa nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu, thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ… Từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành huyết học truyền máu, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, nâng tỉ lệ máu hiến tặng từ người tình nguyện lên chiếm đa số trong tổng số máu sử dụng trong điều trị cho người bệnh.

Giáo sư cũng tiết lộ năm 2003, năm đầu tiên ông về làm Viện trưởng, tổng doanh thu của Viện Huyết học truyền máu trung ương là 81 tỷ. Đến năm 2016, tổng doanh thu đạt mức 1400 tỷ và năm nay ước tính 1600 tỷ đồng.

Những giọt nước mắt chia tay giáo sư Nguyễn Anh Trí về nghỉ hưu không chỉ bật ra từ lòng cảm phục những thành tựu to lớn mà ông đạt được mà còn từ tình thân của những người trong một gia đình.

“Từ khi tôi là một sinh viên nội trú, bác sĩ nội trú tôi đã luôn coi bệnh nhân như là người ruột thịt. Được cứu chữa cho bà con, được phục vụ cho nhân dân là niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của tôi. Và tôi lan tỏa điều đó đến tập thể cán bộ nhân viên của Viện”, bác sĩ Trí nói.

Khi về nghỉ hưu, giáo sư Nguyễn Anh Trí gửi gắm đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương luôn luôn phải đoàn kết và phải xây dựng những giá trị cốt lõi về văn hóa. Trong giờ phút chia tay, ông và hàng nghìn nhân viên và bệnh nhân của Viện đã hô vang câu di chúc của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Người thay thế giáo sư Nguyễn Anh Trí giữ chức vụ Viện trưởng Viện Huyết Học Truyền Máu Trung ương là TS.BS. Bạch Quốc Khánh và cũng là học trò của ông. Bác sĩ Trí đã dìu dắt và xây dựng một nền tảng vững chắc cho bác sĩ Khánh suốt 6 năm liền để trở thành Viện trưởng.

PGS Ngô Toàn Định nhận xét: “Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã làm được một việc đúng về lý, đẹp về tình và sâu sắc về nghĩa. Đây là cuộc chuyển giao quyền lực ở Viện Máu văn minh nhất trong cuộc đời tôi”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí khẳng định dù có về hưu, ông sẽ không ngừng cống hiến. Những dự định tương lại được ông vạch sẵn. Ông làm cố vấn chuyên môn cho bệnh viện Medlatec, nơi mà ông đã đem quy trình phục vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà từ Nhật về Việt Nam. Bên cạnh vai trò là một Giáo sư đầu ngành, bác sĩ Nguyễn Anh Trí còn là một Đại biểu Quốc hội tự ứng cử và trúng cử. Đây là một cơ hội rất tốt để Giáo sư cố gắng hoàn thành tốt vai trò của Đại biểu Quốc hội như đọc thêm tài liệu, tiếp xúc với dân, gần dân, lắng nghe những nguyện vọng của dân.

Ông là người đưa ra ý tưởng thành lập và sẽ đồng hành cùng Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam với mong muốn lưu giữ và bảo vệ những tài liệu, hiện vật của những nhà khoa học mọi lĩnh vực qua các thời kỳ, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Bác sĩ Nguyễn Anh Trí vẫn tiếp tục nghiên cứu các đề tài về tế bào gốc, về bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) đồng thời hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ. “Tôi cũng là người đam mê thơ ca nhạc họa. nghỉ hưu tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tác”, ông hào hứng.

Nghỉ hưu nhưng có lẽ giáo sư Nguyễn Anh Trí sẽ bận rộn hơn vì rất nhiều những dự định ấp ủ.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến