Dòng sự kiện:
'Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn khi phát triển thanh toán không dùng tiền mặt'
28/02/2018 15:00:43
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của UBND TP Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn.

UBND Thành phố vừa qua đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ được UBND TP Hà Nội công nghệ hóa.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu 100% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

UBND Hà Nội sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Phát triển thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ (Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ; Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn). Đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Trao đổi với PV An Ninh Tiền Tệ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của UBND TP Hà Nội sẽ gặp khó khăn. Chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là đúng nhưng để thực hiện cần phải có những thống kê chính xác để biết rằng hiện tại lượng sử dụng tiền mặt trong dân gian là bao nhiêu. Việc chi trả của người dân hiện tại chiếm khoảng 90% là tiền mặt.

“Chính tôi là người làm ngân hàng và lúc nào cũng có thẻ tín dụng trong túi mà hầu như cả năm trời tôi không sử dụng đến nó. Đi đâu cũng thanh toán bằng tiền mặt, ví dụ như vào ăn phở đâu có thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay đi chợ cũng vậy có nhận thẻ tín dụng đâu. Chủ trương là rất đúng nhưng để thực hiện theo kỳ vọng là rất khó”.

“Thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam, trở ngại chính là các điểm giao dịch không nhận những cách không chi trả bằng tiền mặt. Thêm một điểm nữa là thu nhập trung bình của người dân còn thấp quá. Với mức bình quân người dân là 2300USD/năm, tương đương mỗi tháng thu nhập vài triệu bạc nhận bằng tiền mặt. Mà số lượng tiền chỉ vài triệu để trong tài khoản thì thường rút hết ra vì thu nhập ít dẫn đến tâm ý ngại dùng thanh toán công nghệ”., chuyên gia Hiếu nói.

Chuyên gia Hiếu cho rằng việc hoàn thành mục tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Chuyên gia Hiếu chia sẻ, vào thời điểm năm 2003, chính phủ Mỹ thông qua Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang là FDIC phổ biến một chương trình “Money Smart”. Đây là một chương trình giáo dục tài chính rất cơ bản về việc Tại sao không nên dùng tiền mặt? Tại sao nên mở tài khoản ngân hàng? Làm thế nào để bảo vệ đồng tiền của mình? Phân biệt giữa tiền giả tiền thật?....Đó là nền kinh tế lớn nhất thế giới phải có những chương trình huấn luyện, đào tạo người dân cơ bản để tạo một thói quen dùng tiền huống chi là Việt Nam. Thiếu xót hệ thống của Việt Nam không có những chương trình tương tự như nước Mỹ để sử dụng hệ thống ngân hàng hay các dịch vụ thanh toán của ngân hàng nhiều hơn.

Việc thực hiện sẽ khó khả thi hơn khi đưa ra chỉ tiêu quá cao trong một thời gian quá ngắn (giai đoạn 2018 -2020). Cần thực tế trong việc đưa ra chỉ tiêu, vấn đề cần làm sao tạo được phương tiện để thực hiện kế hoạch, đề án. Thúc đẩy nhiều hơn các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán phi tiền mặt, ngoài ra vấn đề phí trong việc thanh toán phi tiền mặt phải rất là nhẹ nhàng để hỗ trợ người dân cũng như các điểm giao dịch, doanh nghiệp thực hiện chủ trương.

Quan trọng nhất vấn đề đường dài, đó là thu nhập của người dân phải tăng lên ít nhất gấp đôi mức hiện tại (hiện tại GDP bình quân là 2300USD/năm) thì những giao dịch ngân hàng mới có ý nghĩa tức là sấp sỉ 5000USD/năm. 

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến