Dòng sự kiện:
Hai mặt của một vấn đề
22/11/2017 13:19:24
Một chính sách có thể từng bước thu hẹp khách hàng vay ngoại tệ, nhưng có thể có tác động không tốt đến xuất khẩu là vấn đề chúng ta cần xem xét để lựa chọn.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đô-la hóa nền kinh tế là mục tiêu có tính dài hạn. Để đạt được, cần thực hiện nhiều biện pháp chính sách đồng bộ tạo sức mạnh của nền kinh tế là nền tảng cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình đó cần có những biện pháp chính sách để hạn chế từng bước tình trạng đô-la hóa, trên thực tế NHNN đã có lộ trình để thực hiện việc này.

Trước hết, ổn định giá trị VND qua việc kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp, ổn định tỷ giá và từng bước hạn chế tình trạng đô-la hóa bên tài sản nợ và tài sản có trên bảng cân đối của các NHTM. Theo đó, tiến tới chấm dứt tình trạng cho vay các DN bằng ngoại tệ, chuyển sang chế độ mua, bán ngoại tệ, thúc đẩy thị trường ngoại hối phát triển. Đến nay, về cơ bản lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định trong thời gian dài. Song mục tiêu chuyển từ cho vay ngoại tệ sang cơ chế mua, bán ngoại tệ còn có những trở ngại, chưa thực hiện được theo đúng tiến độ.

Trên thực tế khi thực hiện thu hẹp nhóm khách hàng vay vốn ngoại tệ, cũng đã nảy sinh những bất cập, cần có sự cân nhắc thấu đáo, bởi tính hai mặt của chính sách. Theo lộ trình ban đầu đến 31/12/2016 thì các DN xuất khẩu không được vay ngoại tệ. Song, hiện các DN xuất khẩu gặp không ít khó khăn về thị trường xuất khẩu, về giá cả xuất khẩu do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 chỉ tăng 7,9%, năm 2016 tăng 9%, nếu thực hiện hạn chế nhà xuất khẩu vay ngoại tệ như kế hoạch ban đầu sẽ là bài toán khó cho các DN, bởi chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn đáng kể so với lãi suất vay bằng ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Chính vì vậy, NHNN đã kéo dài lộ trình thực hiện từ 31/12/2016 đến 31/12/2017 để DN xuất khẩu có thời gian tiếp tục phục hồi sản xuất và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với chính sách mới năm 2018. Nhờ vậy mà đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đáng kể so với năm 2016, tính đến tháng 10/2017 kim ngạch xuất khẩu đã vượt cả năm 2016.

Như vậy, một chính sách có thể từng bước thu hẹp khách hàng vay ngoại tệ, nhưng có thể có tác động không tốt đến xuất khẩu là vấn đề chúng ta cần xem xét để lựa chọn. Khi hạn chế các nhà xuất khẩu vay ngoại tệ, trước mắt giúp các NHTM giảm áp lực về cân đối nguồn và sử dụng nguồn. Tuy nhiên, xét về độ an toàn của các NHTM khi cho vay ngoại tệ thì cho vay các DN xuất khẩu an toàn hơn cho vay DN nhập khẩu. Nguyên do DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ.

Ở nhiều nước trên thế giới các NHTM chỉ cho vay ngoại tệ đối với các đơn vị xuất khẩu mà hạn chế cho vay các đơn vị nhập khẩu. Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn còn các DN nhập khẩu, DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu và DN có nhu cầu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được vay ngoại tệ. Mặt khác, chúng ta vẫn phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ thì mục tiêu chống đô-la hóa chưa thể triệt để. Vì vậy, cần xem xét lại giải pháp chính sách này có phù hợp trong thời gian tới?

 Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến