Dòng sự kiện:
Hải quan kiểm tra 27 doanh nghiệp liên quan đến vụ Asanzo
21/07/2019 23:16:16
Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan trong vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nghi ngờ nhập sản phẩm Trung Quốc nhưng gắn nhãn Việt Nam.

Thông tin này được bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết trong buổi họp báo về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hoá của ngành hải quan tổ chức chiều ngày 19/7.

Vụ Công ty Asanzo lắp ráp tivi bằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang gây tranh cãi trên báo chí. (Ảnh: Dân Trí)

Theo đó, bà Nhiễu cho biết, cơ quan hải quan đã nhận được danh sách 25 doanh nghiệp do báo chí phản ánh và 26 doanh nghiệp do Bộ Công an chuyển sang, là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào bán hàng, linh kiện cho Asanzo sản xuất.

Thông qua quá trình xác minh thì có sự trùng lắp giữa 2 danh sách này, nên còn lại 31 doanh nghiệp. Trong số này có 4 doanh nghiệp đã không còn hoạt động và bị khởi tố (Công ty Sa Huỳnh), do đó Cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các doanh nghiệp còn lại.

"Trong 27 doanh nghiệp, Cục trực tiếp kiểm tra tại 13 doanh nghiệp, và giao 14 đơn vị cho Cục Hải quan TP HCM kiểm tra, tiếp tục làm rõ", bà Nhiễu cho biết.

Cũng theo bà Nhiễu, đến thời điểm này chưa có kết quả cuối cùng, dù một số công ty đã có kết quả sơ bộ. Còn 56 doanh nghiệp đầu ra, là đơn vị tiêu thụ hàng cho Asanzo, thì qua xác minh còn 16 doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động.

"Quá trình xác minh, kiểm tra các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra, chưa có kết luận cuối cùng", bà Nhiễu nói.

Trong khi đó, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng cho biết, cơ quan này vẫn chưa có kết quả kiểm tra cuối cùng liên quan tới nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt. 

"Hải quan đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thuế rà soát lại quá trình sản xuất, nhập khẩu linh kiện của Asanzo về sản xuất. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7 theo yêu cầu và sẽ công bố công khai khi có kết quả", ông Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận, có khoảng trống pháp lý trong quy định ghi nhãn mác xuất xứ "made in Viet Nam", khiến doanh nghiệp lợi dụng.

Theo đó, Nghị định 43 quy định về nhãn mác hàng hoá, nhưng đối chiếu với quy định về xuất xứ thì chỉ áp dụng với hàng xuất khẩu, nhập khẩu mà không áp dụng với hàng sản xuất, lưu thông trong nước. "Đây là khoảng trống pháp lý để doanh nghiệp lợi dụng và cần hoàn thiện thì mới có cơ sở pháp lý để điều chỉnh những trường hợp tương tự như của Asanzo", ông Tuấn nói.

Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan nói thêm, hiện tượng tương tự đang diễn ra khá nhiều, nhất là trong sản xuất hàng gia dụng và các doanh nghiệp phần lớn nhập khẩu linh kiện điện tử từ Trung Quốc. 

"Trung Quốc là thị trường cung cấp phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, không chỉ gia dụng, hàng dệt may... Thống kê của hải quan cho biết, tỷ trọng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc rất lớn", ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Lãnh đạo Cục Giám sát và quản lý hải quan kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định Nghị định 43, Thông tư 05 để đưa ra quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước. Đây sẽ là cơ sở, tiêu chí để các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hoá này có thể gắn mác "Made in Vietnam" hay không.

Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Công Thương hồi đầu tháng 7, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cũng thừa nhận, hiện chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là "sản xuất tại Việt Nam", "hàng hoá của Việt Nam". 

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến