Dòng sự kiện:
Hải quan Việt Nam muốn sớm áp dụng công nghệ blockchain
11/09/2018 10:02:39
Các quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch đã tạo ra một gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế tương đương với "mức thuế quan vô hình” lên tới 164,25%.

Đấy là kết quả rút ra từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), được ông Nestor Scherbey, Cố vấn cao cấp của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) dẫn ra tại Hội nghị tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam, diễn ra ngày 10/9/2018.

Để hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu, dự án áp dụng Hệ thống Bảo lãnh thông quan đã được GATF công bố Tại hội nghị. Khi áp dụng ở Việt Nam, hệ thống dự tính sẽ góp phần tăng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhờ hiện đại hóa hải quan, xuất nhập khẩu thuận lợi, năm 2017 doanh nghiệp đã tiết kiệm 200 triệu USD.


Bảo lãnh Thông quan là hình thức hợp đồng đặc biệt được cung cấp bởi bên bảo lãnh do Bộ Tài chính phê duyệt, đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Bảo lãnh Thông quan hoạt động theo cách thức tương tự như hợp đồng bảo hiểm thanh toán cho cơ quan Hải quan, nếu một nghĩa vụ nào đó không được thực hiện. Nhưng khác với hợp đồng bảo hiểm, bảo lãnh thông quan có ba bên tham gia thay vì chỉ hai bên, là hình thức rất chuyên biệt của bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Tại Hội nghị, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: So với các nước Đông Nam Á, Hải quan Việt Nam là cơ quan hải quan tiên phong áp dụng công nghệ mới và hệ thống quản lý hiện đại rất hiệu quả.

Từ năm 2000, cơ quan hải quan đã mã hóa hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ năm 2014 đã áp dụng tự động hóa hải quan, các doanh nghiệp có thể khai báo, nhận kết quả... ngay tại doanh nghiệp. Đến nay, trong hệ thống quản lý của cơ quan hải quan, tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu đều được mã hóa và đã được xử lý tờ khai hải quan tự động 100%. Năm 2017, với số lượng tờ khai tự động được xử lý lên tới 11 triệu.

Nhưng, trong bối cảnh hội nhập, ngành hải quan nhận thức sâu sắc nếu không áp dụng công nghệ mới và biện pháp quản lý mới thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Và “nếu không áp dụng trí tuệ nhân tạo thì không xử lý được, không giảm được chi phí”, ông Ngô Minh Hải, phát biểu.

Tổng cục Hải quan mong muốn được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phần mềm hiện đại và hiệu quả nhất như là blockchain để theo dõi, quản lý hàng từ khâu sản xuất tới lưu thông, thông quan, tiêu thụ, xuất khẩu, thậm chí tới bàn ăn, tức là có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo chuỗi. Ông Hải hy vọng, 3 - 5 năm nữa Tổng cục Hải quan áp dụng công nghệ blockchain.

Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng “3 - 5 năm nữa thì lâu”. Bởi hải quan đang làm tốt, thì nay tạo hệ thống và cơ sở dữ liệu quốc gia và thông quan trên cơ sở Chính phủ sẽ sớm có trung tâm điều hành.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng sẽ tham mưu cho Chính phủ theo 3 hướng cơ bản: Thứ nhất, phải xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Đây sẽ là giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ nhanh mà còn bền vững và đặc biệt là đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hiệu quả - điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi thương mại.

Thứ hai, để quá trình nói phải đi đôi với làm, cải cách phải tạo ra sự cắt giảm thực sự các rào cản hiện tại, như vừa qua Hội đồng tư vấn đã công bố lần đầu tiên Bộ chỉ số về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI), bóc tách từng nguyên nhân, công đoạn, khu vực, hành vi gây tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Từ năm thứ hai, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân chủ trì vận hành quá trình đo lường này vì APCI là tiếng nói thực tiễn của doanh nghiệp.

Thứ ba là quá trình cải cách không thể thiếu việc học hỏi, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế hay, đã được các quốc gia khác thực hiện thành công và hiệu quả để rút ngắn thời gian cho Việt Nam,

"Văn phòng Chính phủ sẽ đi đầu thực hiện mô hình cơ quan phi giấy tờ, liên thông và chia sẻ thông tin tối đa để giảm tần suất yêu cầu người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến