Dòng sự kiện:
Hậu 'bầu' Kiên, chủ tịch ACB sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
12/03/2019 16:08:09
.Vụ án kinh tế của bầu Kiên tại ACB đã nảy sinh nhiều hệ lụy và được gọi là vụ “nhóm 6” (G6). Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn cảm thấy lo ngại khi nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên đang sở hữu 10% cổ phiếu.

đại gia Trần Hùng Huy đối mặt với thế lực mới

Sau 5 năm kể từ vụ án bầu Kiên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang lấy lại hình ảnh của một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhì hệ thống. Tiếp đó, ông Trần Hùng Huy ghi dấu ấn trong lần tái cử chức vụ chủ tịch bằng việc thu hồi hơn 1,6 ngàn tỷ đồng từ nhóm liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) nhưng lại đang đối mặt với một thế lực mới. 

BCTC năm 2018 của ACB sau kiểm toán mới đây đã cho thấy lý do cụ thể hơn, đáng chú ý đều có liên quan tới tình hình thu hồi nợ xấu đã xử lý của nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Cụ thể, trong năm 2018, lãi thuần từ hoạt động khác của ACB đạt 1.815 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, thu hồi nợ xấu đã sử dụng dự phòng xử lý đạt 1.765 tỷ đồng. Theo giải thích của ACB, khoản thu này bao gồm 1.129 tỷ đồng từ việc thu hồi nợ xấu của nhóm G6 sau khi đã sử dụng dự phòng xử lý rủi ro. Ngoài ra, năm 2018, ngân hàng cũng được hoàn nhập chi phí dự phòng lên tới 481 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ nhóm G6.

Như vậy, ACB đã thu về được hơn 1.600 tỷ từ thu hồi khoản nợ của nhóm G6 trong năm vừa qua, đóng góp một phần không nhỏ cho kết quả lợi nhuận trước thuế 6.388 tỷ đồng. 

Siết nợ ngàn tỷ từ Bầu Kiên, đại gia Trần Hùng Huy đối mặt với thế lực mới - 1
ACB thu hồi nợ từ "Nhóm sáu công ty"
 

“Nhóm sáu công ty” được đề cập trên đấy chính là nhóm G6 liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) trong vụ án chính tại ngân hàng này cách đây vài năm với một kết cục là Bầu Kiên cùng 7 người khác bị khởi tố hồi tháng 8/2013, trong đó có cựu Chủ tịch ACB Trần Xuân Giá, 3  cựu thành viên HĐQT Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, TGĐ ACB Lý Xuân Hải…

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, trong năm 2018, ACB đã thu về gần 1,13 ngàn tỷ đồng từ việc thu hồi của “Nhóm sáu công ty” sau khi đã sử dụng dự phòng xử lý rủi ro hơn 289 tỷ đồng. Trong năm 2018, ACB cũng được hoàn nhập chi phí dự phòng lên tới hơn 480 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ nhóm G6.

Theo kết luận điều tra vụ “Bầu Kiên” hồi 2013, năm 2009 thông qua việc sở hữu cổ phần, góp vốn, ông Nguyễn Đức Kiên đã nắm quyền chi phối 6 công ty gồm: Công ty B&B, Công ty Thiên Nam, Công ty đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI - HN), Công ty Á Châu (ACI), Công ty CP tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) và Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI).

Ông Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Ông Kiên sau đó đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2008. Trong thời gian làm việc tại Ngân hàng ACB, bầu Kiên tham gia quản trị, điều hành ngân hàng với nhiều vị trí khác nhau, có ảnh hưởng, chỉ đạo và quyết định nhiều hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB.  

Ông Kiên lập nhiều công ty gia đình, đồng thời rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB nhưng trước khi rút cũng đã lập Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB do mình làm Phó chủ tịch, một hình thức lách luật để tránh những ràng buộc của luật pháp.

Sau khi thay bố giữ chức vụ chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề làm sạch bảng tổng kết tài sản. Những quy định gần đây, đặc biệt Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đã giúp nhiều ngân hàng trong đó có ACB xử lý mạnh được nợ xấu.

Trong 2 năm 2017 và 2018, ACB ghi  nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất lớn cũng nhờ xử lý nợ xấu.

Tới tháng 4/2018, ông Trần Hùng Huy tiếp tục được bầu làm làm Chủ tịch ACB. Tuy nhiên, bố ông Huy, cũng là người sáng lập ACB Trần Mộng Hùng cùng ông Trần Trọng Kiên không còn trong HĐQT.

Mặc dù ACB đã phục hồi rất ấn tượng nhưng cũng như nhiều ngân hàng khác, ACB đang đối mặt với những thách thức mới, trong đó có những cuộc cạnh tranh gay gắt, đến không chỉ từ những đối thủ truyền thống đang gia tăng quy mô nhanh chóng như Techcombank, mà còn từ các đối thủ phi truyền thống.  

ACB cũng như nhiều ngân hàng sẽ phải cạnh tranh vưới Grab, Alipay, Amazon… Đây đều là các ông lớn có thể tạo ra platform cho cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính hữu ích, như thanh toán…

Từ năm 2012, sau khi bầu Kiên bị bắt về hành vi "kinh doanh trái phép" và để lại hàng nghìn tỷ khoản phải thu tại ACB, nhà băng này đã phải bỏ ra nhiều chi phí để trích lập dự phòng. Đến 2 năm trở lại đây, ACB mới được hái được "quả ngọt" từ các khoản dự phòng này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn cảm thấy lo ngại khi nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên đang sở hữu 10% cổ phiếu của ngân hàng này.Vụ án kinh tế của bầu Kiên tại ACB đã nảy sinh nhiều hệ lụy và được gọi là vụ “nhóm 6” (G6). 

Cùng với đó, nợ xấu nội bảng tại nhà băng cũng được kiểm soát chỉ ở mức 0,73% cuối năm 2018, thuộc những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Nợ nhóm 5 tăng 47% so với cuối năm 2017 lên gần 1.100 tỷ đồng. 

Mai An (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến