Dòng sự kiện:
Hệ lụy từ các khu đô thị sinh thái dạng 'eco'
21/02/2018 06:27:43
Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại và có những quan điểm tiếp cận sinh thái thông qua các "eco-khu đô thị mới" đúng với bản chất của phát triển bền vững.

Các dự án khu dân cư sinh thái ở Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều

Sinh thái đô thị sẽ là mục tiêu mà Việt Nam hướng đến cho một tương lai phát triển bền vững, tuy nhiên cách làm “sinh thái hóa” hiện tại cho thấy những bất ổn hơn là sự yên tâm, tin tưởng vào một tương lai đô thị khi những eco-khu đô thị mới chủ yếu phục vụ cho trang trí, quảng cáo để chứng tỏ khác biệt với xã hội đô thị hơn là mang đến những thay đổi trong quan niệm, quan điểm, cách ứng xử đối với môi trường sống và môi trường tự nhiên.

Nở rộ “eco-khu đô thị mới”

Những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ XX, các dự án khu dân cư tập trung theo mô hình khu đô thị mới (KĐTM) ra đời tại Việt Nam và trở thành một công cụ quan trọng, chi phối và chiếm lĩnh các không gian đô thị mới.

Tuy nhiên sau 20 năm phát triển, nhìn lạI các thành phố Việt Nam hiện nay như những đại công trường lúc nào cũng ngổn ngang bởi các KĐTM xây dựng dở dang và không biết khi nào kết thúc.

Tất cả các nguồn lực đô thị được huy động gần như bằng mọi giá để tạo dựng nên những hình ảnh năng động, hấp dẫn từ những KĐTM nhưng để rồi người ta vẫn thấy có một cái gì đó xa lạ, không thuộc về nơi chốn, địa điểm, khu vực đô thị nơi mà chúng được hình thành.

Những dự án dân cư hiện đại phần nào đã giải quyết được nhu cầu vật chất trong cư trú của người dân, hiển nhiên là nổi trội hơn hẳn với cơ sở vật chất đô thị của những thời kỳ khó khăn trước đó, nhưng lại nhạt nhòa thiếu bản sắc và sự sống động vốn có của đời sống đô thị Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng khi so sánh với các mô hình cư trú (truyền thống) khác.

Việt Nam phải đối mặt với những ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên gây ra bởi sự phát triển không kiểm soát của các đô thị, do đó khái niệm “đô thị bền vững” trở thành những cứu cánh cho các giải pháp không gian đô thị.

Các cụm từ “xanh”, “sinh thái”, “thân thiện môi trường” được sử dụng nhiều hơn trong các hội thảo khoa học, bắt đầu len vào các mặt của đời sống đô thị và đôi lúc lại được “thần thánh hoá” như những “phát minh mới” hay những “biện pháp tối cao” có thể chữa lành các căn bệnh môi trường đô thị Việt Nam.

Theo xu hướng này, các dự án khu dân cư sinh thái ở Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều, đó có thể là những dự án đi theo hướng sinh thái ngay từ đầu hay được chuyển đổi thành dự án sinh thái (theo “mốt” thời cuộc), được biết đến dưới cái tên “khu đô thị (mới) sinh thái” - “eco-KĐTM”.

Hình ảnh thông thường dễ nhận thấy của những dự án eco-KĐTM này là phối cảnh những ngôi nhà được bao quanh bởi những không gian xanh mướt cây xanh, bát ngát mặt nước, thư thái nhẹ nhàng đối nghịch hoàn toàn với khung cảnh chật chội, oi bức và ô nhiễm của đô thị, thâm chí ngay sát bên ngoài hàng rào dự án.

Hẳn nhiên những “ốc đảo sinh thái” này sẽ thu hút được nhiều khách hàng quan tâm bất động sản của dự án hơn là những KĐTM “không sinh thái” láng giềng bởi tính “mới” và “lạ” của chúng trong xu hướng đẩy mạnh đô thị hoá tại Việt Nam với việc đề cao kiến trúc công trình hơn là kiến trúc cảnh quan.

Tuy nhiên, ngay cả với cây xanh và mặt nước, chỉ số ít dự án KĐTM phát triển mở rộng chúng dựa trên những yếu tố cảnh quan tự nhiên sẵn có của địa hình trong khu vực dự án, còn lại đa phần đều là nhân tạo, nghĩa là các chủ dự án phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn đưa những hệ động-thực vật từ một nơi khác về để cấy vào một cách “tự nhiên hoá”, sau đó thêm những khoản kinh phí khác để có thể duy trì được chúng (tất nhiên, chi phí bỏ ra, bằng cách này hoặc cách khác, sẽ được chia ra cho người dân chi trả).

Nếu không tính đến yếu tố cây xanh, mặt nước này thì phần không gian còn lại của một eco-KĐTM và một KĐTM thông thường không khác nhau là bao. Nói cách khác, dưới con mắt của các nhà chuyên môn, bản chất các vấn đề sinh thái chưa được giải quyết rõ ràng, các yếu tố sinh thái thực sự xuất hiện rất mờ nhạt trong các nguyên tắc và quan điểm thiết kế, trong quá trình thực hiện và vận hành những eco-KĐTM này.

Chưa có tiêu chí đánh giá

Nhìn lại phương diện pháp lý thì cho đến thời điểm này, Việt Nam lại chưa có một văn bản nào đủ mạnh, đủ hiệu quả định nghĩa về eco- KĐTM cũng như đề ra những yêu cầu, tiêu chí để xác định, đánh giá tính sinh thái và mức độ sinh thái hoá tại các eco-KĐTM.

Chính vì vậy, trước yêu cầu của thực tiễn đời sống đô thị cũng như nắm bắt các xu hướng phát triển đô thị trong tương lai, các eco-KĐTM đa phần được thiết kế và phát triển tự phát, tính sinh thái trong mỗi dự án được quyết định bởi các chủ dự án mà không (phải) qua một sự tham vấn, đánh giá hay thẩm định, nghĩa là xảy ra tình trạng các chủ dự án gọi KĐTM của mình là “sinh thái” thì cả xã hội đô thị mặc nhiên công nhận đó là “sinh thái”.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chủ dự án các eco-KĐTM khi mà họ không có bất cứ một hướng dẫn, tiêu chuẩn nào để định hướng họ theo một “chuẩn sinh thái” đúng nghĩa phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của Việt Nam nhưng chính những cách làm đơn lẻ và tự phát hiện nay của họ lại mang lại một hệ luỵ lớn khi cả xã hội đô thị hiện hiểu sai về tính sinh thái của một khu dân cư hay một đô thị vốn đang được biết đến một cách đơn giản là “nhiều cây xanh và mặt nước (trang trí)”.

Vấn đề là đôi khi các yếu tố này lại đang là những đại diện hiện đại cho một cuộc sống đô thị coi trọng sự phát triển bề nổi hơn là theo chiều sâu, đi ngược tinh thần của phát triển bền vững.

Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến