Dòng sự kiện:
Hệ lụy nạn nhân sập bẫy chiêu trò của 'cò' chạy việc
27/03/2018 16:35:14
Chiêu trò của các 'cò' chạy việc đang ngày càng tinh vi, gian xảo, vì vậy người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên đặt niềm tin vào những đối tượng này.

Bằng những chiêu trò "nổ" các mối quan hệ, thành tích xin việc, những khó khăn nếu người xin việc không có sự giúp đỡ, nhiều “cò” chạy việc đã tạo ra sự tin tưởng với những người đang có nhu cầu cần việc làm, đặc biệt là vào các cơ quan nhà nước. Sau đó, nếu không tinh ý, nhiều nạn nhân đã mắc bẫy và phải nếm "trái đắng", "tiền mất tật mang".

Ngoài những "cò" chạy việc bị cơ quan chức năng phanh phui, lật tẩy và bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì vẫn còn những trường hợp sau khi bộ mặt "cò" bị vạch trần đã bỏ trốn cùng với số tiền lừa đảo của các nạn nhân.

Đối tượng Lê Thị Kim Cúc - một "cò" chạy việc đang bỏ trốn.

Như trường hợp Lê Thị Kim Cúc (58 tuổi), trú tại ở đường Nguyễn Trường Tộ, phường Phước Vĩnh, TP Huế. Cúc là một giáo viên về hưu, tự giới thiệu mình có thể xin được việc làm vào các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Bình quân mỗi suất xin việc làm, các nạn nhân đã gửi cho Cúc từ 60 - 180 triệu đồng. Sau khi bị cơ quan chức năng truy tố, Cúc đã 'ôm" hơn 1,5 tỷ đồng và bỏ trốn.

Nhiều năm trôi qua, chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi), quê ở Thanh Hóa, người bị đối tượng Cúc lừa đảo xin việc vẫn chưa nhận lại được số tiền bị lừa. Trước đó, vì tin tưởng những lời mật ngọt của Cúc, chị H. đã đặt cọc 60 triệu đồng cho Cúc để chạy vào vị trí giáo viên dạy Văn THCS trên địa bàn TP Huế.

Tuy nhiên, sau thời gian dài, đã quá thời hạn tuyển dụng nhưng chị H. vẫn không nhận được kết quả. Đến khi cơ quan công an thông báo, Cúc là đối tượng lừa đảo thì H. mới vỡ lẽ và coi như đã mất số tiền 60 triệu đồng.

Đến nay, sau nhiều năm, H. vẫn chưa xin được việc làm ưng ý, phải ở nhà bán hàng online (bán hàng qua mạng) kiếm sống qua ngày. Riêng số tiền 60 triệu đồng người nhà H. vay mượn hiện vẫn chưa trả hết nợ.

Liên quan đến tình trạng "cò" chạy việc, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên –Huế chia sẻ, trước thực trạng tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm có xu hướng gia tăng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên đặt niềm tin vào những đối tượng môi giới.

Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo đến các thí sinh và tất cả đều công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, công tác cán bộ, tuyển dụng lao động, nhất là trong các cơ quan nhà nước ngày càng được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.

"Bởi vậy, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho thân nhân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc làm vẫn không xin được", ông Đông nói.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến