Dòng sự kiện:
Hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD sẽ quyết vai trò của người đại diện
28/04/2018 23:01:37
Thông qua đánh giá hiệu quả, các cơ quan quản lý có cơ sở để đánh giá người đại diện vốn có hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao hay không.

Kết quả đánh giá hàng năm này cũng sẽ gắn với chế độ lương, thưởng của người đại diện vốn Nhà nước.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2017/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD có vốn nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt thông tư hướng dẫn nghị định này. Kết quả xếp loại không chỉ là tín hiệu cảnh báo giúp các TCTD xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động mà còn gắn liền với quyền lợi của TCTD trong phân phối lợi nhuận, tạo sự minh bạch và gắn trách nhiệm với người đại diện vốn…

Phân phối lợi nhuận phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư

Theo Bộ Tài chính, các Thông tư 19, 16, 20, 18 hướng dẫn: một số điều về chế độ tài chính đối với: Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô về cơ bản vẫn thực hiện như trước đây. Điểm mới trong Thông tư 16 có quy định thêm nội dung hướng dẫn về chế độ báo cáo trong đó bổ sung hướng dẫn chế độ báo cáo bằng phương thức điện tử.

Song điểm đáng lưu ý nhất là các nội dung được quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mục đích của việc ban hành thông tư là để xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định về tài chính, hiệu quả hoạt động tài chính của các TCTD có hiệu quả hay không để đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước như thế nào. Qua đó, Nhà nước sẽ có thể đầu tư thêm vốn nếu cần thiết hoặc rút vốn nếu thấy không hiệu quả.

“Trước mắt là qua từng năm sẽ đánh giá được xem hoạt động của TCTD qua các chỉ tiêu tài chính có hiệu quả hay không, có gì cảnh báo hay không để tăng cường kiểm tra giám sát. Sau đó, Nhà nước sẽ xem xét đầu tư thêm hay thoái vốn”, vị cán bộ Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính nói và cho biết thêm: thông qua đánh giá hiệu quả, các cơ quan quản lý cũng có cơ sở để đánh giá người đại diện vốn có hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao hay không. Kết quả đánh giá hàng năm này cũng sẽ gắn với chế độ lương, thưởng của người đại diện vốn Nhà nước. Nếu TCTD hoạt động  không tốt, người đại diện không làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì đây sẽ là cơ sở để thay thế người đại diện khác.

Cũng theo Bộ Tài chính, kết quả xếp loại không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của TCTD mà còn của người đại diện vốn Nhà nước khi phân phối lợi nhuận. Nghị định quy định rất rõ, lợi nhuận của TCTD sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế TNDN, nộp thuế TNDN, phần lợi nhuận còn lại được phân phối theo thứ tự: Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có); bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế TNDN theo quy định.

Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản quy định được phân phối theo thứ tự: trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của TCTD; trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính; trích tối đa 25% vào quỹ đầu tư phát triển; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong TCTD. Theo đó, TCTD xếp loại A được trích 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ: khen thưởng, phúc lợi; TCTD xếp loại B được trích 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ: khen thưởng, phúc lợi; TCTD xếp loại C được trích 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ: khen thưởng, phúc lợi; TCTD không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Ngoài ra, nghị định cũng cho phép trích quỹ thưởng người quản lý TCTD, kiểm soát viên. Theo đó, TCTD xếp loại A được trích 1,5 tháng lương thực hiện của người quản lý DN, kiểm soát viên; TCTD xếp loại B được trích 1 tháng lương thực hiện của người quản lý DN, kiểm soát viên; TCTD xếp loại C hoặc DN không thực hiện xếp loại thì không được trích lập quỹ thưởng người quản lý DN, kiểm soát viên…

Xếp loại theo tiêu chí nào

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Thông tư 12 là rất cần thiết nhằm giúp các TCTD và cơ quan quản lý dễ thực hiện khi đây là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù vốn trước đây được áp dụng các tiêu chí chung với khối DNNN khi thực hiện đánh giá.

“Ngày xưa họ vẫn làm theo các quy định chung của khối DNNN, làm theo cái chung thì họ hơi lúng túng vì một số chỉ tiêu không phù hợp với ngân hàng. Ví dụ như đối với chỉ tiêu là nợ phải thu. Đối với TCTD nợ phải thu không phải là quan trọng mà chỉ tiêu nợ xấu mới là quan trọng nhất. Đấy là sự khác biệt”, lãnh đạo phòng ngân hàng nói và cho biết: Cách thức xác định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD được quy định tại Điều 4 của thông tư, theo đó, bên cạnh các quy định chỉ tiêu tổng doanh thu được xác định theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của TCTD, lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu, thông tư cũng quy định rõ tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn theo quy định của NHNN Việt Nam. Ngoài ra còn có các tiêu chí liên quan đến tình hình chấp hành pháp luật và tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (nếu có)…

Phương thức đánh giá hiệu quả và xếp loại TCTD cũng được quy định tại điều 5 thông tư. Theo đó, việc đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD được thực hiện thông qua đánh giá mức độ hoàn thành (A, B, C) các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả và xếp loại do NHNN Việt Nam giao cho TCTD.

Cụ thể với tiêu chí 1 về tổng doanh thu, thông tư quy định TCTD xếp loại A khi tổng doanh thu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao; xếp loại B khi tổng doanh thu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao; xếp loại C khi tổng doanh thu thực hiện đạt dưới 90% kế hoạch được giao.

Tiêu chí 2 về tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu, thông tư quy định TCTD xếp loại A khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện bằng hoặc cao hơn kế hoạch được giao; xếp loại B khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thực hiện thấp hơn nhưng tối thiểu bằng 90% so với kế hoạch được giao; xếp loại C khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt dưới 90% so với kế hoạch được giao.

Đối với những TCTD có lỗ kế hoạch: Nếu lỗ thực hiện thấp hơn lỗ kế hoạch xếp loại A; Nếu lỗ thực hiện bằng lỗ kế hoạch xếp loại B; Nếu lỗ thực hiện cao hơn lỗ kế hoạch xếp loại C. Trường hợp do thực hiện tăng thêm nhiệm vụ được loại trừ khi xác định chỉ tiêu lỗ thực hiện so với lỗ kế hoạch được giao.

Tiêu chí 3 về tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn, thông tư quy định, TCTD xếp loại A khi có tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn thực hiện bằng hoặc thấp hơn kế hoạch được giao và tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3%, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn nhỏ hơn 2%; xếp loại C khi có tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn thực hiện cao hơn 110% kế hoạch được giao hoặc tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3,5% hoặc tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn lớn hơn 2,5%; xếp loại B là các TCTD còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.

Tiêu chí 4 về tình hình chấp hành pháp luật, thông tư quy định TCTD xếp loại A khi: Không bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản hoặc bị nhắc nhở một lần bằng văn bản về việc nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại TCTD, báo cáo tài chính và các báo cáo khác để thực hiện giám sát tài chính không đúng quy định, không đúng hạn đối với một loại báo cáo; Hoặc không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm chế độ, chính sách. Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính thì có không quá 5% số chi nhánh (bao gồm cả trụ sở chính) trên tổng số chi nhánh của TCTD bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc bằng hình thức phạt tiền mà số tiền phạt phải nộp từng lần bị xử phạt không vượt quá 70.000.000 đồng.

TCTD xếp loại C khi không nộp báo cáo giám sát, báo cáo xếp loại DN, báo cáo tài chính và các báo cáo khác để thực hiện giám sát tài chính theo quy định hoặc nộp báo cáo không đúng quy định, đúng thời hạn bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản từ lần thứ ba trở lên đối với một loại báo cáo. Hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền mà số tiền phạt phải nộp từng lần bị xử phạt từ trên 100.000.000 đồng. Hoặc người quản lý điều hành TCTD có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của TCTD đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. TCTD xếp loại B là các TCTD còn lại không được xếp loại A hoặc loại C...

Ngoài ra thông tư còn hướng dẫn cụ thể các nội dung về tổng hợp kết quả xếp loại và xếp loại Người quản lý TCTD…

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến