Dòng sự kiện:
Hôm nay Quốc hội bàn về việc sửa Luật quản lý nợ công
25/05/2017 09:31:32
Sáng nay 25/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc tại hội trường nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương.

Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý ngoại thương; Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật quản lý ngoại thương.

Sáng nay Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Một nội dung quan trọng khác cũng sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ là quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2015 theo như báo cáo của Bộ Tài chính như sau:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016);

Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương). Nguồn bù đắp bội chi NSNN: vay trong nước là 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng.

Sáng 24/5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và thảo luận về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Trong đó, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nhiều đại biểu đề nghị nên cân nhắc khi bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 đại biểu Quốc hội tán thành quy định này của Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 03 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật hình sự 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy- tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Đây đã là vấn đề được Quốc hội khóa XIII thông qua, do đó Quốc hội sẽ chỉ thay đổi vấn đề này nếu như chúng ta đưa ra được những căn cứ thực sự xác đáng. Theo đại biểu, xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, điều quan trọng là để khi ta bắt tay vào sửa điều luật này chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước. Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội là đề nghị với Quốc hội cho phép được trình 2 phương án để xin biểu quyết và chúng ta sẽ thực hiện theo ý chí chung của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cũng có những đại biểu bày tỏ ủng hộ Phương án 1, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận, pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng tái phạm sau khi thi hành án. Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - tỉnh Bình Thuận

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy - tỉnh Hoà Bình cho rằng, trong thời gian qua, trong hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân. Lợi dụng những kẽ hở của người dân, một số đối tượng đã biến tướng phương thức bán hàng này để trục lợi mà hành vi phổ biến là tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và đầu tư tài chính…

Thực tiễn, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép ở nước ta diễn biến phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như vụ công ty cổ phần thương mại cộng đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt 108 tỷ của 2.929 người dân, công ty liên kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ của 45.000 người dân. Để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn hậu quả của việc vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp gây ra thì dự thảo luật cần bổ sung quy định loại tội phạm vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy - tỉnh Hoà Bình

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình lại đề nghị cân nhắc chưa nên bổ sung tội mới này vào Bộ luật hình sự. Đại biểu phân tích, đây là tội mới chưa được báo cáo đánh giá đầy đủ những lý do cũng như sự cần thiết và tác động của việc bổ sung tội phạm này vào Bộ luật hình sự. Báo cáo giải trình cũng nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội là một số vụ việc xảy ra vừa qua như việc kinh doanh đa cấp gây thiệt hại lớn, gây bức xúc trong nhân dân, còn nguyên nhân và việc xử lý như thế nào thì cũng chưa được giải trình một cách rõ ràng. Đồng thời, theo đại biểu, luật hình sự đã bỏ tội danh về kinh doanh trái phép trong Bộ luật hình sự năm 1999 vì nó không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, nay có thêm một tội kinh doanh đa cấp trái phép là không phù hợp.

Đại biểu cho rằng với thiết kế như Điều 217a thì chưa chắc đã xử lý hình sự được các vụ việc tương tự xảy ra trong thực tiễn vừa qua vì các doanh nghiệp này đều đã được cấp phép đăng ký kinh doanh rất đầy đủ. Hơn nữa, việc thiết kế khung hình phạt của tội phạm này cao nhất mới có 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội lừa đảo để chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân. Như vậy, nếu không cẩn thận thì việc bổ sung tội mới sẽ là nơi để trốn không phải xử lý hình sự về tội lừa đảo hoặc tội phạm về sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Theo Báo Xây Dựng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến