Dòng sự kiện:
Huế: Dân điêu đứng vì đập nước 'nuốt' đường vào khai thác rừng
12/07/2018 09:35:22
Đập nước được xây dựng đã 'nuốt' mất tuyến đường độc đạo vào khai thác rừng trồng khiến người dân điêu đứng.

Theo phản ánh của người dân thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), việc tiến hành xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên -Thủy Cam tại địa phương đã phá vỡ tuyến đường vào rừng khiến hàng chục hecta rừng keo tràm không thể thu hoạch dù đã quá tuổi từ lâu.

Theo tìm hiểu của PV được biết, công trình hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam là dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự dán do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt từ năm 2008 và điều chỉnh quy hoạch đầu năm 2010 với quy mô 2 hồ chứa nước, với tổng mức đầu tư hơn 654 tỷ đồng. Năm 2017 công trình đã được bàn giao và đưa vào vận hành. 

Rừng keo đến tuổi nhưng không thể khai thác do không có đường vào.

Để phục vụ cho việc thi công, nhiều diện tích rừng của các hộ dân nằm trong dự án của công trình được chi trả đền bù. Tuy nhiên một số diện tích nằm ngoài lòng hồ nên không được đền bù.

Quá trình tiến hành xây dựng, tuyến đường vào rừng của các hộ dân bị đào múc để làm lòng hồ chứ nước.

Sau khi hồ chứa nước được xây dựng xong, việc lòng hồ "nuốt" mất các tuyến đường vào khu vực rừng trồng khiến quá trình khai thác rừng bị trì hoãn cho đến hôm nay.

Điều đáng nói, số diện tích chưa thể khai thác này lại thuộc diện tích không được đền bù do nằm ngoài dự án.

Những con đường vào rừng trước đó nay là khu vực lòng đập nước.

Hiện, những rừng tràm của các hộ dân có độ tuổi từ 4 tuổi trở lên, tức là đã đến tuổi khai thác nhưng không có đường đi khiến công việc này bị trì hoãn.

Thống kê cho thấy có 28 hộ dân thôn Thủy Yên Thượng đang bị ảnh hưởng. Tổng diện tích rừng nằm trong khu vực hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam đang đến tuổi thu hoạch hoặc đã quá tuổi thu hoạch là 40,5 hecta. 

Ông Nguyễn Văn Khâm, người dân thôn Thủy Yên Thượng cho biết: "Gia đình tôi đang có khoảng 20 hecta rừng ở trong độ tuổi 6 - 8 năm, cánh rừng tràm đó đã quá thời điểm thu hoạch nhưng vẫn không bán được. Thương lái họ không thu mua vì không có con đường vận chuyển, nếu tình hình vẫn cứ tiếp diễn thì chúng tôi không biết thu hoạch rừng bằng cách nào, không biết lấy gì để sống, vì rừng tràm là nguồn vốn của chúng tôi".

Việc không có đường vào khai thác rừng khiến người dân lo lắng.

Ông Phan Văn Quốc, một hộ dân có rừng nằm trong khu vực lòng hồ chứa nước chia sẻ: "Rừng tràm của tôi đã đến thời điểm thu hoạch từ rất lâu, thân cây tràm to dễ gãy đổ khi mùa mưa bão đến. Tôi thiết nghĩ, khi xây dựng công trình thì đơn vị thi công thiết kế phải nghĩ đến phương án mở đường lâm sinh cho chúng tôi. Kính mong các đơn vị chức năng, những người có trách nhiệm giải quyết".

Được biết, mỗi hecta rừng tràm ở đây trung bình người dân thu được khoảng 50 triệu đồng, nếu tổng hết số hecta rừng chưa được thu hoạch thì ước tính hơn 2 tỷ đồng đang nằm lại trên cánh rừng.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay: "Chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị của người dân về vụ tình trạng trên. Ngay sau đó, địa phương đã đề nghị chủ đầu tư là Sở NN&PTNT trao đổi, để có văn bản gửi UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền".

"Xác định nguồi lợi kinh tế của người dân chủ yếu là thu hoạch rừng, chúng tôi đã đề xuất phương án xin mở đường vào rừng cho người dân. Hiện, văn bản đã được gửi trình UBND tỉnh và đang trong thời gian xem xét, giải quyết cho người dân yên tâm sản xuất", ông Hữu cho biết thêm.

Nguyễn Trọng – Đình Tuấn
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến