Dòng sự kiện:
Thảm sát ở Tiền Giang: Hung thủ sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh?
15/08/2018 08:03:02
Đối tượng Nguyễn Đăng Khoa được xác định là nghi can trong vụ thảm sát kinh hoàng ở Tiền Giang. Chuyên gia pháp lý cho biết, hung thủ gây án có thể phải đối mặt với nhiều tội danh cũng như phải trả giá bằng mạng sốn

Thông tin mới nhất về vụ thảm án ở Tiền Giang, đại diện lãnh đạo Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) vừa xác nhận, đã bắt được nghi phạm sát hại 3 người trong gia đình ở ấp 4 (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành). Nghi phạm bị bắt giữ là Nguyễn Đăng Khoa (SN 1987, quê Đồng Tháp).

Đối tượng Nguyễn Đăng Khoa, nghi phạm gây ra vụ thảm sát ở Tiền Giang.

Các nạn nhân tử vong trong vụ án được xác định là chị Đinh Thị Ngọc Ngân (SN 1994, vợ Khoa) và mẹ là bà Lê Thị Hoa (SN 1974) cùng con gái chị Ngân là bé Như Ý (SN 2013, đều ngụ ở ấp 4, xã Tam Hiệp).

Riêng cháu Đinh Thị Ngọc Ánh (17 tuổi, em vợ của đối tượng Khoa) do khóc lóc van xin nên Khoa tha mạng.

Sau khi sát hại 3 nạn nhân, Khoa còn lấy đi 1 xe máy và 3 điện thoại di động của các nạn nhân rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Theo lời khai ban đầu của Khoa tại cơ quan điều tra, nguyên nhân Khoa gây ra vụ cuồng sát này là do chị Ngân có ý định chia tay với gã.

Luật sư Lương Quang Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư An Thái.

Nêu quan điểm về vụ thảm sát kinh hoàng xảy tại Tiền Giang, luật sư Lương Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư An Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Với thông tin, diễn biến sự việc như trên, sau khi cơ quan công an vào cuộc, tiến hành lấy lời khai, điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ… khi có căn cứ để xác định đúng hung thủ gây án thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Căn cứ quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015, đối tượng gây án sẽ bị xử lý về tội Giết người với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết nhiều người, giết người dưới 16 tuổi, động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ. Hung thủ có thể phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài ra, lợi dụng các nạn nhân không thể tự vệ được để lấy tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình thì đối tượng này sẽ bị khởi tố thêm về tội Cướp tài sản (Điều 168, BLHS).

Do đối tượng còn có hành vi trói cháu Ánh, chiếu theo quy định của pháp luật tại Điều 157, Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật “1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:… e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ…”

Luật sư Tuấn cho biết, đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên, trước đó đã có một số vụ thảm sát ở Bắc Giang, Bình Dương, Yên Bái... Vụ thảm sát này một lần nữa cho thấy tính côn đồ, máu lạnh, động cơ đê hèn có thể nảy sinh ở bất cứ đối tượng nào, mặc dù trước đó có những đối tượng từng được nhận xét là ngoan ngoãn, hiền lành.

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường. 

Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm học, các giải pháp phòng ngừa tội phạm, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Qua nhiều vụ thảm sát có thể cho thấy nguyên nhân sâu xa của những vụ án thảm sát xảy ra gần đây là do mất sự kiểm soát ý chí của đối tượng gây án.Vì mâu thuẫn tình cảm, vì tham lam, ích kỷ cá nhân mà các đối tượng sẵn sàng ra tay với bất kỳ ai, cho dù đó là người già và trẻ em và kể cả những người không có mâu thuẫn gì với hung thủ.

Những hành động lạnh lùng, tàn nhẫn của hung thủ xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực, là sự tích tụ lâu ngày của những suy nghĩ xấu, những hành động lệch chuẩn xã hội. Một nguyên nhân quan trọng không kém là nhận thức pháp luật yếu kém, không nghĩ đến hậu quả sự trừng phạt của pháp luật hoặc nghĩ rằng mình có thể "cao chạy xa bay", trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật.

Động cơ thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là sự tham lam, ích kỷ. Còn nguyên nhân chính vẫn là vấn đề nhận thức, nhân cách và ý thức chấp hành pháp luật. Chính quá trình giáo dục, đào tạo hình thành nhân cách của các đối tượng này "có vấn đề" hoặc do bệnh lý khiến khả năng nhận thức, điều khiển hành vi theo các chuẩn mực xã hội bị hạn chế. Những suy nghĩ coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm người khác, suy nghĩ tiêu cực về tình cảm, ích kỷ cả nhân và có thể tham lam quá lớn về vật chất, sẵn sàng làm tất cả để thỏa mãn suy nghĩ, ham muốn của mình... đã khiến đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, để đấu tranh với loại tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người nói chung, đấu tranh phòng ngừa với những đối tượng "máu lạnh" nói riêng thì cần tăng cường các biện pháp giáo dục để không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng các quy tắc xử sự chung giữa con người với con người; Cần nắm bắt tâm lý, kiểm soát được hành vi của các đối tượng; Khi thấy đối tượng có biểu hiện bệnh lý thì cần chữa trị kịp thời; khi các đối tượng nóng nảy, khó kiểm soát hành vi thì cần có những giải pháp để giảm bớt những bức xúc, chế ngự những hành vi manh động...

Trong quan hệ tình cảm yêu đương, vợ chồng thì cũng không để mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm. Tất cả những mâu thuẫn tình cảm đều có thể giải quyết một cách có văn hóa khi các bên cởi mở ngồi lại với nhau, nếu không thể tự giải quyết thì có thể nhờ bạn bè, gia đình, chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đoàn thể hòa giải, khuyên can. Khi mọi giải pháp hòa giải, can thiệp đều vô vọng thì tốt nhất là tìm đến tòa án để được giải quyết bằng thủ tục tố tụng và cần tôn trọng phán quyết của tòa án.

“Chỉ trong vài phút nóng giận, suy nghĩ không thấu đáo hoặc do nhận thức hạn chế, phẩm chất, đạo đức thấp kém, thiếu tôn trọng người khác thì một người có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với những hậu quả khôn lường”, luật sư Cường nói.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến