Dòng sự kiện:
Kế hoạch hành động 1355: 'Cây gậy' thúc đẩy môi trường kinh doanh
15/10/2018 17:01:52
Phía sau những điều hành của NHNN, công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tạo một nền tảng hoạt động thông thoáng để hệ thống các TCTD có thêm trợ lực mở rộng dòng chảy tín dụng cũng như tăng tốc dòng chảy vốn.

Không chỉ là những bảng vàng thành tích chỉ số “Tiếp cận tín dụng” được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index), hiệu ứng của chương trình hành động 1355 của NHNN sau hơn 2 năm triển khai đã và đang góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các TCTD tích cực cắt giảm thủ tục, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN

Tăng lưu lượng dòng chảy vốn

Nói đến một môi trường kinh doanh hấp dẫn, điều đầu tiên các nhà đầu tư luôn cân nhắc đó là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền. Nhiệm vụ này dù không đặt ra với NHNN tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 song trong những năm qua, NHNN luôn theo đuổi mục tiêu này để tiếp điểm tựa phát triển cho nền kinh tế.

Tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cuối tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao điều hành của NHNN thời gian qua đã rất chủ động, linh hoạt, nhất là về ổn định tỷ giá, lãi suất, tín dụng xuất khẩu. Công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, trong đó có chính sách tài khóa để ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, giảm chi phí vay vốn cho ngân sách nhà nước...

Những nỗ lực này góp phần tô thêm màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam với tăng trưởng GDP đạt tới 6,98% là mức cao nhất trong 8 năm qua, trong bối cảnh vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.

Phía sau những điều hành thành công của NHNN, công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh theo Quyết định 1355/QĐ-NHNN tạo một nền tảng hoạt động thông thoáng để hệ thống các TCTD vốn được coi là mạch máu của nền kinh tế có thêm trợ lực mở rộng dòng chảy tín dụng cũng như tăng tốc dòng chảy vốn.

Tại Hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh mới đây của VCCI, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, NHNN là một trong những Bộ tích cực thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh với phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất. Như ngay trong năm 2018, sau khi Chính phủ chỉ đạo về rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo đúng thời hạn yêu cầu, đồng thời Thống đốc NHNN cũng đã ký ban hành Thông tư số 17/2018/TT-NHNN nhằm thực thi phương án cắt giảm. Kết quả NHNN đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%), trong đó đề xuất cắt giảm hơn 49 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất).

Đồng thời Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-NHNN ngày 30/3/2018 phê duyệt nội dung đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Trong đó, cắt giảm 31 báo cáo, đơn giản hóa 9 báo cáo trên tổng số 145 báo cáo đạt tỷ lệ đơn giản hóa gần 28% số báo cáo định kỳ, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 24/2018/TT-NHNN bãi bỏ 5 báo cáo, đơn giản hóa 1 báo cáo tại 6 Thông tư, văn bản quy định chế độ báo cáo định kỳ của NHNN, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN.

Cải cách thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu biểu có thể kể đến việc ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cho vay của TCTD và Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư này là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao quyền tự chủ và minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay. Các quy định về thủ tục cho vay đã được đơn giản hóa như: bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng trong hồ sơ vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống...

Hiện nay, 100% TTHC của NHNN đã được đăng trên Cổng TTĐT NHNN theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân. Đến hết tháng 8/2018, NHNN cũng đã cung cấp 45 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Dự kiến trong quý IV/2018, NHNN sẽ chính thức đưa vào vận hành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt trên Cổng thông tin một cửa quốc gia..

Đặt khách hàng vào vị trí trung tâm

Tuy nhiên với ngành Ngân hàng cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ gói gọn trong nội hàm của NHNN mà toả ra sâu rộng trong toàn hệ thống với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các TCTD. Từ định hướng chỉ đạo xuyên suốt của NHNN “lấy khách hàng làm trung tâm” trong đổi mới, cải cách, các TCTD đã cộng hưởng cùng mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của mình tích cực chuyển đổi mô hình tổ chức, cải tiến quy trình, thủ tục để gia tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng.

Như MB từ năm 2016 đến nay, thực hiện 4 lần cải tiến quy trình tín dụng khách hàng doanh nghiệp, 2 lần cải tiến quy trình tín dụng khách hàng cá nhân, bình quân mỗi năm giảm thời gian phục vụ khách hàng khoảng 20%; Năm 2017, MB rút ngắn độ dài của hợp đồng tín dụng trung bình từ 9-26 trang xuống còn 6-8 trang, đồng thời chuẩn hóa số lượng hồ sơ khách hàng cung cấp, giảm chữ ký của khách hàng.

Hầu hết các ngân hàng ban hành các chính sách cho vay tập trung tăng trưởng đối với lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, của ngành với nhiều gói tín dụng lãi suất cạnh tranh (thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5%-2%/năm) với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các đối tượng khách hàng tốt, có tình hình tài chính lành mạnh như: gói tín dụng hỗ trợ khách hàng trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản tại 4 tỉnh miền Trung; triển khai các gói tín dụng ưu đãi như gói tín dụng khởi nghiệp thành công Startup; các gói tín dụng hỗ trợ DN khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ người dân tiết kiệm chi phí, thời gian thanh toán các dịch vụ thiết yếu như thanh toán hóa đơn điện, nước, bảo hiểm, vé máy bay, khách sạn... đến nay đã có trên 41 ngân hàng triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch liên tục tăng nhanh. Điển hình tại BIDV, từ năm 2016 đến nay ngân hàng này đã hỗ trợ triển khai mới đối với 96 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn; thu hộ học phí cho 45 trường học; thu hộ đa kênh cho 47 đơn vị và triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cho trên 48 nghìn khách hàng...

Những nỗ lực cải cách của NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận Moodys Investors Service ngày 14/8 tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 NHTM của Việt Nam sau khi đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam một bậc lên Ba3 từ B1. Trước đó, Fitch Ratings cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “BB” từ mức “BB-” với triển vọng “ổn định”. Cơ sở để Fitch Ratings nâng triển vọng lên tích cực dựa vào nhiều yếu tố quan trọng như Việt Nam đang xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô. Biện pháp này, bao gồm tỷ giá linh hoạt hơn và gia tăng tập trung vào ổn định lạm phát, đã giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến