Dòng sự kiện:
Kết nối đa chiều thông tin khách hàng vay vốn
19/06/2019 17:03:36
Đã có 12 NHTM tham gia kết nối vào Cổng thông tin kết nối khách hàng vay vốn của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và hệ thống đã bắt đầu hoạt động khá hiệu quả ở 12 tỉnh, thành có giao dịch lớn.

Ảnh minh hoạ

Tích hợp cho vay ngay trên cổng kết nối

Tại Hội nghị về thông tin tín dụng và thúc đẩy tiếp cận tín dụng của khách hàng vay do CIC tổ chức tại TP.HCM, ngày 18/6, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển của CIC cho biết, đầu tháng 6 CIC đã vận hành chạy thử nghiệm Cổng thông tin kết nối khách hàng vay trên website chính thức của đơn vị và trên ứng dụng “CIC Credit Connect - Kết nối nhu cầu vay” (chạy trên điện thoại thông minh).

Tính đến hiện tại đã có 12 địa phương và 12 TCTD kết nối trực tiếp vào cổng thông tin này để chia sẻ, hỗ trợ bổ sung thông tin khách hàng và cùng cạnh tranh khai thác nguồn khách hàng có nhu cầu vay vốn. Các thông tin trên cổng này tích hợp vào các mục tiêu cơ bản như: giới thiệu sản phẩm vay của các TCTD cho khách hàng, kết nối khách hàng với TCTD qua công cụ tương thích tự động; phổ cập kiến thức tài chính cho khách hàng; giảm thiểu rủi ro cho TCTD và khách hàng vay vốn…

Để tạo lập kênh thông tin tích hợp này, ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc CIC cho biết, trong nhiều tháng qua đơn vị đã làm việc trực tiếp với hàng loạt các bộ, ngành, TCTD thành viên để xây dựng các nền tảng dữ liệu. Theo đó, CIC đã kết nối với Bộ Công an để xác thực, mã hóa hồ sơ gần 10 triệu khách hàng đã đổi thẻ căn cước công dân, phối hợp Bộ Kế hoạch - Đầu tư để cập nhật danh sách và thông tin về DN trong mọi lĩnh vực. Trong giai đoạn tới, CIC và Bộ Công an dự kiến sẽ kết nối công nghệ sinh trắc học để nhận diện, xác thực khách hàng.

Trong khi đó, từ phía các TCTD, ngoài việc vận động các NHTM hưởng ứng kết nối thông tin vào kho dữ liệu chung, hiện CIC đã kiến nghị NHNN Việt Nam để đưa ra quy định pháp lý, khuyến khích hoặc bắt buộc các TCTD phải cung cấp thông tin về các sản phẩm vay cho cổng thông tin kết nối khách hàng vay vốn, để khi vận hành hoàn thiện trên toàn hệ thống, bất cứ khách hàng vay vốn nào khi truy cập vào cổng thông tin kết nối, ngoài việc thấy được điểm tín dụng của mình còn có thể có được các thông tin hữu ích như: nên vay vốn ở TCTD nào, lãi suất cho vay là bao nhiêu, sản phẩm nào phù hợp, thủ tục cho vay như thế nào...

Trong khi đó, các TCTD thành viên, thông qua kênh kết nối cũng có thể quảng bá sản phẩm vay, nhận biết được tính cạnh tranh của các sản phẩm tín dụng của mình, thấy được khách hàng đang ở đâu, có nhu cầu vay như thế nào để chủ động kết nối.

“Thậm chí thông qua các nghiệp vụ ngân hàng số có thể triển khai ngay các hợp đồng cho vay vốn sau khi xác thực các thông tin thu thập được từ cổng kết nối”, ông Phong chia sẻ.

Các bên “ngóng” sự chia sẻ

Tại Hội nghị ngày 18/6, đại diện nhiều NHTM và DN tỏ ra hào hứng với việc CIC đẩy mạnh kết hợp các giải pháp cung cấp nguồn thông tin khách hàng và hỗ trợ các TCTD quảng bá sản phẩm tới khách hàng vay vốn.

Theo NamABank, việc CIC tích hợp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vay của NHTM vào Cổng thông tin kết nối là rất thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh thông tin về sản phẩm. Việc có thêm các thông tin khác bên cạnh lịch sử tín dụng của khách hàng, như: chỗ ở của khách hàng, mục đích vay, nhu cầu vay, mức lãi suất mong muốn… sẽ là cơ sở tốt để các nhân viên tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay phù hợp.

Đại diện của Ngân hàng Bản Việt tại TP.HCM cũng cho rằng, CIC miễn 100% phí tạo lập tài khoản trên cổng kết nối khách hàng vay, đồng thời sử dụng các phần mềm công nghệ để hỗ trợ các TCTD dò tìm khách hàng ngay trên ứng dụng là một bước tiến mới, giúp các ngân hàng kết nối nhanh chóng với người vay vốn. Vì vậy, CIC cũng cần mở rộng thêm các kênh hỗ trợ bộ phận xếp hạng tín dụng nội bộ của các NHTM để tích hợp, đan chéo các nguồn thông tin nhằm đưa ra các quyết định cho vay phù hợp và hạn chế rủi ro thu hồi nợ.

Đại diện cho khu vực DN, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho rằng, hiện 16.000 thành viên của VCCI tại TP.HCM đều có tài khoản tại các NHTM. Với việc CIC đẩy mạnh kết nối thông tin tín dụng, VCCI sẽ chủ động kết nối với các NHTM là thành viên của mình để có các giải pháp hỗ trợ chia sẻ thông tin lên cổng kết nối khách hàng vay nhằm mở rộng hơn các lựa chọn vay vốn cho DN, nhất là cộng đồng DNNVV.

Trong khi đại diện cơ quan quản lý trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc tiếp tục chương trình tín dụng kết nối sẽ là cơ sở để gắn kết, tạo dựng không gian thông tin chung cho cả ngân hàng, DN và cá nhân vay vốn. Qua đó, chuẩn hóa, minh bạch hóa tất cả thông tin các bên cung cấp, chia sẻ vào hệ thống dữ liệu của cổng kết nối mà CIC đang thực hiện.

Việt Nam có tỷ lệ tiếp cận tín dụng cao hơn khu vực

Theo thống kê của CIC, đến giữa năm 2019 cả nước có khoảng 280.000 DN đã từng tiếp cận vay vốn tín dụng tại các NHTM (chiếm khoảng 26,6% tổng số DN). Riêng tại TP.HCM, con số này là hơn 65.400 DN, chiếm tỷ lệ 55,5%. Đối với khách hàng cá nhân, trên phạm vi cả nước, hiện có khoảng 34,5 triệu khách hàng đã từng vay vốn, chiếm gần 62% tổng số người trong tuổi lao động.

Tại TP.HCM con số này tương ứng là khoảng 6,7 triệu người, với tỷ lệ khoảng 70%. Theo xếp hạng của WB, hiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở mức 75/100, tương đương Malaysia, cao hơn mức bình quân chung khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (56,4/100) và cao hơn nhiều nước trong khu vực như: Philippines, Lào, Indonesia.

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến