Dòng sự kiện:
Không để nhà đầu tư tham gia chỉ để 'ghi tên'
10/02/2018 17:47:56
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ30) đã có những quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu của nhà đầu tư trong liên danh...

Việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho mô hình đầu tư PPP. 

Để ràng buộc trách nhiệm tham gia của các nhà đầu tư cũng như yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu trong liên danh nhằm hạn chế một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có nhiều nhà đầu tư tham gia chỉ để “ghi tên” nhưng thực tế không rõ ràng về nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dự án.

Quy định rõ về nghĩa vụ tài chính

Nghị định thay thế NĐ30 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ ban hành. Việc ban hành Nghị định thay thế này thời gian sắp tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như tạo ra khung pháp lý chặt chẽ hơn cho mô hình đầu tư PPP.

Theo đó, Điểm c Khoản 1 Điều 20 Dự thảo Nghị định thay thế NĐ30 yêu cầu nhà đầu tư triển khai dự án PPP phải có năng lực tài chính - thương mại, khả năng thu xếp vốn và năng lực triển khai thực hiện dự án; kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

Sở dĩ đưa ra quy định này, theo Bộ KH&ĐT, là để ràng buộc trách nhiệm tham gia của các nhà đầu tư cũng như yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu trong liên danh nhằm hạn chế một dự án PPP có nhiều nhà đầu tư tham gia chỉ để “ghi tên” nhưng thực tế không rõ ràng về nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dự án. Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, nhà đầu tư tham dự thầu với tư cách liên danh đều có yêu cầu tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu của từng thành viên (tại Ấn Độ yêu cầu tỷ lệ là 26%, số lượng nhà đầu tư tham gia trong liên danh tối đa là 5 thành viên).

Bên cạnh đó, để đảm bảo tiêu chí cạnh tranh trong đấu thầu dự án PPP, Khoản 4 Điều 2 Dự thảo Nghị định thay thế NĐ30 quy định, các doanh nghiệp nhà nước tham gia các dự án PPPdưới dạng liên danh nhưng với điều kiện tổng tỷ lệ phần vốn nhà nước trong liên danh không quá 49% (đại diện phần vốn tham gia của Nhà nước không có quyền quyết định dự án đầu tư trong liên danh). Mức 49% (thay thế mức 30% trong NĐ30) là phù hợp trên cơ sở tham khảo quy định tại Khoản 4 Điều 144 Luật Doanh nghiệp (quyền biểu quyết tán thành từ 51% trở lên). 

Có quy trình riêng cho dự án PPP đặc thù

Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù NĐ30 đã ban hành được hơn 2 năm nhưng trong thực tế, cùng với các kết quả đạt được, vẫn còn các tồn tại, vướng mắc. Ngoài lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, Điểm b Khoản 1 Điều 1 NĐ30 còn quy định việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới, nhà ở thương mại, công trình thương mại và dịch vụ, tổ hợp đa năng. Tuy nhiên, quy định này không rõ khái niệm “khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao” là gì.

Bên cạnh đó, trong pháp luật hiện hành về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành (nạo vét luồng đường thủy, đua ngựa, đua chó...) quy định lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh thực hiện theo pháp luật về đấu thầu, trong khi Luật Đấu thầu chỉ quy định phạm vi gồm dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất, chưa có quy trình riêng cho các dự án có tính đặc thù. Vì thế, nhằm giải quyết vướng mắc nêu trên, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ30 quy định phạm vi điều chỉnh gồm: Dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình trong các lĩnh vực nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng, tổ hợp đa năng; dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Cùng với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, Điều 17 Dự thảo Nghị định thay thế NĐ30 còn bổ sung quy định về nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có tính đặc thù này.    

Theo Báo Đấu Thầu 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến