Dòng sự kiện:
Không quá lo lắng với tăng trưởng
21/07/2018 06:21:35
Lạm phát và tăng trưởng có đang đi vào chu kỳ bất ổn? Các vấn đề này vừa được nhiều chuyên gia mổ sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 20/7 tại Hà Nội.

“Tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó cả tăng trưởng và lạm phát, không có gì là bất thường”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý.

Dữ liệu ghi nhận, hiện lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp. Giá cả tăng vừa qua hoàn toàn do diễn biến hàng hóa thị trường, đặc biệt là giá thịt lợn. Nghiên cứu của CIEM cũng đi đến kết luận rằng lạm phát không chịu ảnh hưởng của yếu tố tiền tệ. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ.

Diễn biến chu kỳ tăng trưởng – Nguồn:  GSO

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tín dụng vào các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; điều hành tín dụng thận trọng nhằm hạn chế áp lực lạm phát và tạo dư địa ứng phó trước rủi ro suy giảm kinh tế trong các quý cuối năm”,Viện trưởng Cung ghi nhận.

Đánh giá trên của ông Cung cũng trả lời khá đầy đủ những câu hỏi đầy quan ngại về chất lượng tăng trưởng hiện nay, đặc biệt là lo lắng nền kinh tế bước vào chu kỳ giảm tăng trưởng, như quy luật ghi nhận vào các năm đuôi 7 và 8 trước đây.

Xua đi những lo lắng trên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) phân tích: Với tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011 đã giúp giảm áp lực điều hành trong những tháng cuối năm nay.

“Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu quá nóng”, ông Cung khẳng định.

Cũng theo ông Cung, so với trước đây, Việt Nam hiện đã có thêm nhiều kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia từ CIEM cũng vẫn nhấn mạnh: Không chủ quan, không nên bằng lòng với những gì đạt được.

Người đứng đầu CIEM lưu ý đến các vấn đề đang đặt ra hiện nay, như: mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu; khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn...

Đề cập đến kịch bản tăng trưởng cuối năm, theo ông Nguyễn Anh Dương, nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương; lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn…

Tuy nhiên, việc hoàn tất các thủ tục cho phê chuẩn các FTA có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong chừng mực ấy, diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào cách thức thúc đẩy tăng trưởng, điều hành giá cả, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh và xử lý các điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng. Và cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường.

Không quá lo lắng với tăng trưởng, nhưng cũng không chủ quan với lạm phát, ông Cung chia sẻ và khuyến nghị: “Không nên nới lỏng chính sách tiền tệ, không nên ép giảm lãi suất…”.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11% với thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 tăng 3,93%.

Dự báo của CIEM

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến