Dòng sự kiện:
Kiểm soát rủi ro là cần thiết
23/09/2019 10:00:16
NHNN vừa có công văn gửi các TCTD, cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn, đồng thời yêu cầu kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng và quá trình giải ngân.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, NHNN nhắc nhở các NHTM thực hiện nghiêm túc hoạt động này là cần thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh.

Ảnh minh hoạ

Không phải đến thời điểm này, mà từ cuối năm trước NHNN đã nhắc nhở các ngân hàng thực hiện nghiêm túc hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Đến thời điểm này nhiều ngân hàng trong đó có OCB, hoạt động cho vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng khác đi nhiều. Trước đây, ngân hàng thực hiện cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gần giống chiết khấu sổ tiết kiệm, thủ tục đơn giản hơn, từ đó có thể dẫn tới lợi dụng.

Còn hiện tại, khách hàng có nhu cầu vay vốn thế chấp sổ tiết kiệm, ngân hàng yêu cầu phải có đầy đủ thủ tục hồ sơ giấy tờ như khoản vay bình thường. Tất nhiên là hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm đơn giản hơn so với các khoản vay khác vì tính thanh khoản tài sản đảm bảo bằng tiền tốt hơn nhiều so với tài sản thế chấp khác, nên ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng.

Thêm nữa, từ thực tế cho thấy khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm là nhu cầu có thực, yêu cầu chính đáng của khách hàng. Ngân hàng tư vấn cho khách hàng về sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trong trường hợp có nhu cầu vốn đột xuất mà sổ tiết kiệm chưa đến thời hạn, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền không bị mất hết phần lãi đáng ra họ được hưởng đầy đủ nếu để đến hạn. Vấn đề ở đây, khi muốn cho khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm, cho dù có tối giản thì ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng làm thủ tục như một khoản vay thông thường.

Như vậy, theo ông vẫn cho phép NHTM cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chứ không phải cấm hoạt động này?

Đúng vậy. Theo tôi, việc yêu cầu cho vay cầm cố sổ tiết kiệm làm chặt chẽ hơn là đúng, nhưng vẫn nên duy trì sản phẩm này. Bởi, không chỉ giúp ngân hàng phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, mà điều quan trọng là ngân hàng có thể huy động dài hạn hơn từ khách hàng.

Giả sử nếu trong trường hợp ngân hàng không cho vay sổ tiết kiệm, khi khách hàng cần tiền buộc phải rút ra, mất toàn bộ lãi suất tiền gửi, dẫn đến câu chuyện khách hàng không dám chọn kỳ hạn dài mà chỉ gửi kỳ hạn ngắn 3-4 tháng hoặc 1-2 tháng. Nhưng nếu họ thấy ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, trong trường hợp có nhu cầu đột xuất về vốn vẫn có thể lấy tiền ra được thì họ yên tâm gửi các kỳ hạn dài với lãi suất cao.

Thực tế là khi cần tiền từ những khoản đột xuất vậy thường khách hàng vay trong thời gian ngắn. Khi có tiền từ thu nhập khác họ có thể mang trả ngân hàng, đảm bảo tiền gửi và lãi suất của sổ tiết kiệm vẫn giữ nguyên thế.

Trong khi một trong những vấn đề rất đau đầu của các NHTM hiện nay là mất cân đối giữa tỷ lệ huy động vốn và cho vay dài hạn. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam nhu cầu đầu tư vào tài sản, máy móc, trang thiết bị nâng cấp… rất lớn và tất cả những nhu cầu này cần vốn dài hạn. Ngành Ngân hàng vẫn đang đóng vai chính trong cho vay trung, dài hạn. Nếu nguồn vốn ngân hàng huy động phần lớn là ngắn hạn thì không thể đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.

Chưa kể, hiện tại NHNN cũng đang kiểm soát chặt chẽ  sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì thế cần phải có sản phẩm tăng cường để khuyến khích người gửi tiền dài hạn. Với hình thức này như chia sẻ ở trên có lợi cho cả 3 bên: khách hàng, hệ thống NH, cả nền kinh tế. Người gửi được hưởng lãi suất tiết kiệm cao, ngành Ngân hàng huy động vốn trung dài hạn, còn nền kinh tế có sẵn nguồn lực vốn dài hạn để hỗ trợ phát triển lâu dài.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến