Dòng sự kiện:
Kinh tế năng lượng: Làm sao để không phải 'trả giá đắt'?
14/01/2018 06:10:05
Suốt thời gian qua, những bất ổn trong chiến lược, quy hoạch phát triển cũng như cơ chế khai thác, sử dụng đã khiến ngành năng lượng Việt Nam phải trả không ít giá đắt.

Tận thu tài nguyên

Theo Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam hiện có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên và thủy điện. Những nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. XK dầu thô và than đã đóng góp quan trọng cho ngân sách. Tuy nhiên, với những biến động trong hoạt động XNK năng lượng gần đây, Việt Nam đã trở thành nước NK năng lượng từ năm 2015.

Lĩnh vực cung cấp than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: ST.

Hiện, các lĩnh vực năng lượng cơ bản như than, dầu khí… đều đang phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, trong cung cấp than, hạn chế về trình độ công nghệ thăm dò, phương pháp đánh giá (từ những năm 70) dẫn đến chi phí đầu tư lớn, sai số cao, độ tin cậy thấp và những rủi ro không lường trước khi thăm dò, đánh giá trữ lượng than. Bên cạnh đó, tài nguyên than chưa được đánh giá theo nguyên tắc thị trường (chưa được định giá), dẫn đến lãng phí, quản lý không hiệu quả và không thể chia sẻ, hội nhập với thị trường thế giới. Đối với dầu khí, việc khai thác có điều kiện địa chất phức tạp, một số mỏ đưa vào khai thác với sản lượng thấp hơn so với sơ đồ công nghệ; trữ lượng các mỏ dầu mới phát hiện nhỏ; đặc biệt là tình hình biến động tài chính và giá dầu thô trên thị trường trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới…

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngành năng lượng Việt Nam có tài nguyên khá dồi dào, phong phú nhưng các vấn đề như chiến lược, quy hoạch phát triển, cơ chế khai thác, sử dụng… đang có vấn đề. “Ngành khai thác tài nguyên, đặc biệt là than và dầu khí đang có xu hướng giảm. Chúng ta đang tận thu tài nguyên. Nếu không thay đổi cách khai thác, đó sẽ là thảm họa chứ không chỉ theo nghĩa khó khăn bình thường”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với thế giới. Điển hình như, trong cấu trúc năng lượng, đối với các nước khác trên thế giới, thủy điện chỉ chiếm dưới 20% thì ở Việt Nam lại đang phát triển mạnh đến 40-50%. Bên cạnh đó, các yếu tố như năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch của Việt Nam rất ít. Dự báo, trong khoảng 10-15 năm tới, nhu cầu tăng trưởng năng lượng ngày càng cao thì áp lực lên giá năng lượng sẽ ngày càng lớn.

TS. Võ Trí Thành Thành cho rằng, ngành năng lượng Việt đang phải trả những bài học đắt giá. Điển hình như, việc chấm dứt phát triển năng lượng hạt nhân; việc khủng hoảng lãnh đạo tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); những vất vả của Chính phủ trong điều chỉnh giá điện; vấn đề nên hay không nên tăng phí môi trường đối với xăng dầu…

Cần chiến lược phát triển mới

Theo TS. Võ Trí Thành, để không tiếp tục sai lầm, cần xây dựng chiến lược phát triển mới cho ngành năng lượng với cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn. “ Năng lượng là ngành đòi hỏi chi phí lớn, thể hiện vai trò của các tập đoàn, địa chính trị, các nhà tài phiệt trên thế giới. Ngành năng lượng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt. Phải làm sao để vừa chuyển đổi chiến lược năng lượng, vừa xử lý tốt vấn đề nghiêm trọng hiện nay là khủng hoảng tại những DN nhà nước, các tập đoàn lớn…”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành cũng phân tích: Khi nói đến năng lượng, có một số điểm mà các nước phát triển quan tâm và chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý. Thứ nhất là nguồn cung, cơ cấu và tốc độ thay đổi cơ cấu. Thứ hai là thị trường, chiến lược phát triển phải gắn với thị trường. Ví dụ như trước đây Việt Nam coi ngành điện là ngành không thương mại được, không XNK, song hiện nay các nước trong ASEAN hay Trung Quốc đều đang rất phát triển ngành này. Thứ ba là vai trò của ngành năng lượng. Không thể nhìn ngành năng lượng riêng biệt, mờ nhạt trong nền kinh tế 4.0 mà năng lượng luôn song hành với dịch vụ, hạ tầng. “Năng lượng còn là hội nhập. Chúng ta không thể né tránh xây dựng chiến lược phát triển năng lượng gắn với việc xây dựng chiến lược hội nhập cho Việt Nam. Đó mới chính là vấn đề cốt lõi”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Một số chuyên gia góp ý thêm: Trước đây, khi nói về giải pháp cho ngành năng lượng, hầu như các quan điểm mới chỉ nói về việc ưu đãi, bao tiêu năng lượng. Trong khi đó, bài toán đặt ra lúc này là nên dồn toàn bộ nguồn lực để nghiên cứu, tạo năng lực đổi mới sáng tạo cho ngành năng lượng tại Việt Nam, đồng thời, cần tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước, tạo sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm cần có cái nhìn toàn diện hơn khi phát triển ngành năng lượng, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: Từ trước tới nay, bàn về năng lượng chủ yếu nói tới sản xuất, nguồn cung. Trong khi đó, các khía cạnh khác trong tổng thể ngành năng lượng như tiêu dùng, sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao lại chưa được đề cập tới. “Như vậy, rõ ràng chúng ta đang bàn lệch, khiến cho hiệu quả sử dụng năng lượng không cao. Thời gian tới, để giải quyết vấn đề, chiến lược phát triển năng lượng cần bao quát cả lĩnh vực sản xuất lẫn tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển ngành từ trước tới nay chỉ có Nhà nước làm thì nay cần bỏ đi, thay vào đó phải dựa vào chiến lược phát triển thực tế của các DN”, TS. Trần  Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến