Dòng sự kiện:
Kinh tế toàn cầu - nhiều thách thức cuối năm
17/10/2018 16:00:56
Với những diễn biến trong các tháng gần đây, nhiều tổ chức quốc tế lớn cùng chung nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối của năm 2018.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ dao động trong khoảng từ 3 – 3,7%, thấp hơn so với mức dự báo đưa ra hồi đầu năm khoảng 0,2 – 0,3%. Tại các nền kinh tế chủ chốt, ngoại trừ Mỹ vẫn giữ được đà tăng trưởng thì các quốc gia như khu vực châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh tốc độ tăng trưởng đều có sự điều chỉnh giảm. Tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo không khả quan hơn so với 2 năm trước.

Kinh tế toàn cầu không có những tín hiệu khả quan

Thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm khi cầu xuất khẩu tại các nước phát triển giảm sút trong khi xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cũng chững lại do tác động của các rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Ngoài ra, những bất ổn về chính trị, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, xu hướng tăng lãi suất và cuộc cải cách về thuế dự kiến sẽ ảnh hưởng tới xu hướng đầu tư, khiến dòng vốn có thể có sự giảm sút trong những tháng tới và có sự phân phối lại trên phạm vi toàn cầu.Giá cả hàng hóa thế giới trong những tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều biến động ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và bất ổn chính trị ở Trung Đông. Ngoài ra, việc giá dầu thô tiếp tục gia tăng và dự đoán có thể vượt mốc 80 USD/thùng vào cuối năm 2018 sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác và chỉ số hàng hóa chung.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu còn bất định như vậy, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục biến động mạnh trong quý còn lại của năm, trong đó có thể xuất hiện những đợt điều chỉnh tỷ giá của các nền kinh tế mới nổi. Xu hướng diễn biến của thị trường nhiều khả năng không có những thay đổi lớn so với quý III/2018, đồng USD tiếp tục tăng giá, đồng EUR chịu áp lực từ rủi ro trong nội khối và nền kinh tế Mỹ, đồng GBP nhiều khả năng vẫn duy trì đà giảm khi chưa có giải pháp cho Brexit. Trong khi đó đồng CNY được kỳ vọng sẽ duy trì được trạng thái ổn định để giảm thiểu áp lực cho Trung Quốc và JPY sẽ vẫn được hỗ trợ từ nhu cầu đầu tư an toàn.

Xu hướng biến động trên thị trường tài chính có thể tiếp tục lan rộng sang thị trường chứng khoán. Chứng khoán toàn cầu đang đối mặt với nhiều phiên điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây, biểu hiện rõ rệt là trong phiên giao dịch vào ngày 10/10, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một phiên sụt giảm tồi tệ nhất kể từ ngày 8/2 trở lại đây khi 3 chỉ số chính đã điều chỉnh giảm trên 3%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng sẽ là nơi chứng kiến những biến động lên xuống mạnh mẽ nhất trước nỗi lo các NHTW chủ chốt tiếp tục tăng lãi suất cùng với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây hoang mang cho giới đầu tư khu vực.

Diễn biến của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới tiếp tục chịu sự chi phối từ một số rủi ro chính. Trước hết, căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn (đặc biệt giữa Mỹ với Trung Quốc) đã đẩy nhanh gia tăng xu hướng bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu, làm cản trở niềm tin của giới đầu tư và ảnh hưởng đến sự vận hành thông suốt của các dòng chảy thương mại cũng như vốn giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng trưởng giảm tốc ở một số nền kinh tế chủ chốt (như Trung Quốc) cũng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực có mối quan hệ với những quốc gia này. Ví dụ, theo dự báo của IMF, đà giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, theo đó, tăng trưởng kinh tế của các nhóm nước này sẽ không cao hơn các năm 2016 và 2017 do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đóng góp lớn vào tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế này.

Ngoài ra, kinh tế toàn cầu sẽ còn đối mặt với rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu trước những điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ, cải cách thuế của các nền kinh tế lớn; rủi ro tín dụng; tình trạng nợ công tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia; khả năng đảo chiều của dòng vốn đầu tư nước ngoài ở các thị trường mới nổi; tiến triển chậm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách cơ cấu ở nhiều nền kinh tế;

Giá dầu biến động khó lường trong bối cảnh gia tăng bất định ở khu vực Trung Đông có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi; biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp; việc ứng phó với các biến động trong tương lai của các quốc gia có thể gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến