Dòng sự kiện:
Kinh tế toàn cầu: Rủi ro giảm tốc đồng bộ
08/11/2018 15:01:03
Nếu như các nền kinh tế lớn của thế giới bước vào năm 2018 với triển vọng tăng trưởng vô cùng khả quan, thì nay các nền kinh tế này lại đang đứng trước nguy cơ giảm tốc đồng bộ trong năm 2019.

Sự thay đổi đang được dẫn dắt bởi Trung Quốc, nền kinh tế đang có hiệu suất yếu nhất kể từ năm 2009 và có thể còn tồi tệ hơn trừ khi giải quyết được những bất đồng thương mại với Mỹ. Trong khi các số liệu sản xuất từ châu Á đã cho thấy một sự sụt giảm, với Đài Loan, Thái Lan và Malaysia đang trượt sâu vào khu vực thu hẹp sản xuất.

Nhiều nền kinh tế chậm lại đồng bộ

Khu vực đồng euro cũng đang mất đà, tốc độ tăng trưởng quý 3 chỉ bằng một nửa so với 3 tháng trước đó khi kinh tế Italia và Đức trì trệ. Trong khi lạm phát lại đang có xu hướng tăng lên. Tất cả những điều đó đang chất thêm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách của NHTW châu Âu trong năm 2019, nhất là khi họ đã cam kết sẽ thu lại các biện pháp kích thích tiền tệ được triển khai trong giai đoạn khủng hoảng.

Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế Mỹ có đủ sức chống lại sự giảm tốc và cung cấp động lực cho phần còn lại của thế giới hay không. Mặc dù thị trường lao động Mỹ đang tiến dần đến trạng thái toàn dụng đã đưa ra hy vọng rằng kinh tế Mỹ có thể làm được điều đó, song rất mong manh. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống một chút vào năm 2019 do tác động tiêu cực của chính sách bảo hộ, lãi suất cao hơn; trong khi tác động của chính sách cắt giảm thuế đang nhạt dần.

Theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chậm lại, với mức tăng trưởng giảm xuống còn 2,7% trong quý 4, so với mức 3,5% của quý 3 và 4,2% của quý 2.

“Câu chuyện là liệu chúng ta có thể sẽ tái đồng bộ hóa”, Joachim Fels - cố vấn kinh tế toàn cầu của Pacific Investment Management Co. cho biết. “Nhưng đây là thời điểm suy giảm”.

“Bạn có thể lập luận rằng tăng trưởng toàn cầu đang đồng bộ hóa một lần nữa vì kinh tế Mỹ đang giảm tốc”, Megan Greene - kinh tế gia trưởng của Manulife Asset Management cho biết.

Đã có sự thay đổi rõ rệt so với thời điểm tháng Tư khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố thế giới đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ nhất kể từ năm 2010. Thế nhưng quan điểm này đã được thay đổi vào tháng 10 khi IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu lần đầu tiên trong 2 năm và cho biết sự tăng trưởng đã đạt đỉnh.

Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy kinh tế toàn cầu đã đạt đỉnh. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của IHS - Markit đối với Trung Quốc và khu vực đồng euro đều sụt giảm trong tháng trước xuống mức thấp gần 2 năm, trong khi chỉ số của Mỹ không thay đổi nhiều. Hầu hết các quốc gia đã chứng kiến sự suy giảm chỉ số PMI của họ trong 3 tháng qua.

“Số liệu mới nhất ủng hộ mạnh mẽ quan điểm cho rằng những ngày tháng tốt nhất trong chu kỳ tăng trưởng thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008 đã đi qua”, Alan Ruskin - đồng chủ tịch nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank AG cho biết.

Sự đảo chiều toàn cầu có thể làm tăng thêm sức ép đối với thị trường tài chính và cuối cùng sẽ tạo áp lực buộc các NHTW như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải làm chậm lại quá trình thoát khỏi chính sách kích thích tiền tệ, mặc dù cho đến nay chỉ có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sẽ thay đổi lộ trình thắt chặt tiền tệ của mình.

“Tăng trưởng toàn cầu bắt đầu năm 2018 mạnh mẽ và đồng bộ. Hướng đến năm 2019, (đà tăng trưởng) mạnh của Mỹ vẫn còn, song phần còn lại của thế giới không như vậy. Một câu hỏi quan trọng cho năm tới đó là quy mô của chiến tranh thương mại và mức độ phản ứng chính sách của Trung Quốc. Một sự kích thích hiệu quả từ Trung Quốc sẽ khiến những lo ngại về sự tăng trưởng toàn cầu sẽ được xóa bỏ”, Tom Orlik - kinh tế gia trưởng của Bloomberg Economics cho biết.

Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, yếu tố then chốt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bloomberg đưa tin mới đây rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này.

Larry Hu - một nhà kinh tế học Macquarie Securities Ltd. có trụ sở ở Hồng Kông cho biết, triển vọng chính sách ở Trung Quốc cũng đang chuyển biến tích cực hơn.

Các “liều thuốc bổ trợ” khác đối với kinh tế toàn cầu có thể bao gồm tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm hơn dự kiến, điều này sẽ làm giảm áp lực lên người đi vay và các thị trường mới nổi; Anh đạt được thỏa thuận Brexit với EU hoặc những lo ngại về đống nợ khổng lồ của Ý dịu bớt.

Sự không chắc chắn của triển vọng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến thị trường và những biến động mạnh của thị trường, ngược lại, cũng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Tháng 10 là một trong những tháng tồi tệ nhất đối với thị trường cổ phiếu Mỹ, góp phần vào động thái bán tháo trên toàn thế giới đã làm bốc hơi khoảng 8 nghìn tỷ đôla giá trị.

Một sự sụt giảm thêm 20% trên thị trường chứng khoán toàn cầu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong năm 2019 và 2020, theo ước tính của Oxford Economics.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến