Dòng sự kiện:
Ký ức đồng tiền xu: Giá như thời gian được quay trở lại
17/08/2017 10:44:09
Trong thời đại bùng nổ muôn mặt của đồng tiền, hàng ngày, hàng giờ nhan nhản thông tin của trăm nghìn tỉ, trong mất còn, thật giả của những khối tiền, bất giác nhớ về những đồng xu của cái thời đánh khăng, đánh đáo.

Tôi và bọn thằng Tuyến, thằng Phú, thằng Vũ lớn lên cùng nhau từ những căn nhà tranh lụp xụp. Bờ rào thì có đấy nhưng chỉ là bờ kè (cọ), bờ hóp mong manh. Chỉ cần ới nhau tiếng, lách qua bờ rào, nhào đến tụ tập bên nhau chỉ trong chốc lát.

Cho đến bây giờ, mất gì thì có thể nhưng cái hình ảnh những tờ giấy tiền hào, tiền xu cũ mèm mà bà và mẹ lôi ra từ cái đạy (may bằng vải thường dùng dây chun buộc ngang eo) dắt lận vào lưng quần thì không thể quên được. Mỗi lần như thế, bà và mẹ thường vuốt lại chúng cho thật phẳng trước khi đi chợ hay đến cửa hàng mua bán của HTX. Nếu không phải là buổi đi học thì kiểu gì bọn chúng tôi cũng mon men lẽo đẽo đi theo bằng được. Đến cửa hàng, những đứa lanh chai, ranh ma nhưng  chúng tôi thường bất chấp, cố luồn lách, chen bằng được để leo lên bám vào vách cửa hàng, có khi còn ngồi chễm chệ lên góc mặt bàn mặc cho chị bán hàng đẩy đuổi.

Ai còn nhớ những ngày chen chân ở cửa hàng mua bán? (Nguồn ảnh: Internet)

Khi đã an vị, mẹ hoặc bà chỉ cần đứng sau, nhón chân đưa cuốn sổ là có thể dễ dàng nộp được vào đúng vị trí. Thằng nào mắt cũng đăm đắm nhìn vào đống sổ, chỉ cần ai đó lơ là một chút là chiếc sổ được “đánh dấu bí mật” sẽ ngay tức khắc được chuyển từ trên xuống dưới như một trò ảo thuật. Thằng Tuyến rất siêu đẳng trong việc chen và lẩn sổ. Chẳng vậy mà cứ nghỉ học là hắn lại cứ mài đũng quần ở cửa hàng mua bán để “hợp đồng tác chiến” với những ai “có nhu cầu”. Mục tiêu rất rõ ràng nhé! Đặt sổ trước mới không lo hết hàng, mua được món tươi ngon nếu đó là cá mắm hay miếng thịt, lại còn sớm được “giải phóng” khỏi cảnh chen lấn.

Nhưng, mục tiêu của mấy đứa ma ranh chúng tôi không đơn giản vậy mà mục tiêu là những tờ tiền lẻ mệnh giá nhỏ nhất được thối lại. Đã thành thông lệ, mỗi lần cầm tờ phiếu xác nhận đã nộp tiền và những tờ tiền thừa, bọn chúng tôi thường giữ lại một tờ có mệnh giá thấp nhất và kèm theo là cái nháy mắt và nụ cười “thân thiện” và thường được nhận lại cái gật đầu của bà, mẹ hay ai đó “nhờ vả” hay “đối tác”. Nhanh như chớp, mấy đứa ma ranh lận tờ tiền vào thắt lưng rồi quay lại tìm kiếm “khách hàng”.

Khi nhận thấy đã không còn “mối hàng”, cả bọn luồn ra thật nhanh rồi chui vào xó xỉnh nào đó đếm “chiến lợi phẩm”. Thằng nào cũng đưa ra vuốt tờ tiền cho thật phẳng, nâng niu như báu vật. Thằng Tuyến có sáng kiến lấy lá mít hay lá chuối tươi gấp thành cái ví rồi bỏ chúng vào đấy. Khi cả bọn kiếm được một vài hào hay một đồng thì cả bọn “chung chi” mang lại “chực” (chờ) ở cửa hàng cho đến hết buổi. Phải chực bằng được để đổi những tờ tiền cũ ấy ra những đồng tiền xu. Đổi nhưng làm quyền làm thế lắm. Phải là những đồng tiền xu (tiền kim loại) mới thì mới đổi. Mà cái chị bán ở cửa hàng cũng đáo để lắm, muốn đổi tiền mới phải có “phần trăm” hẳn hoi. Thường là chị ấy đưa ra những tiền xu cũ hoắc rồi cố tình cho cả bọn nhìn thấy những đồng xu mới coóng nằm ở góc hộp và ném ánh mắt đầy ẩn ý đến cả bọn. Hiểu ý, thằng Tuyến lại lận lưng quần lấy thêm một tờ tiền xu, tiền hào chồng lên xấp tiền. Ngay tắp lự, một nụ cười rất tươi nở trên môi của chị bán hàng và chúng tôi nhanh chóng nhận được đồng xu mới. Đồng xu mới ấy, dẫu không nói ra nhưng thằng nào cũng nhớ như in là của tôi bao nhiêu, thằng Tuyến, Thằng Phú bao nhiêu. Đấy là tài sản chung nên nhiều chuyện hay lắm. Cũng thành thông lệ, thằng nào có “tài khoản” lớn hơn trong đồng xu được giữ trước, rồi thằng ít hơn giữ sau cứ thế xoay vòng. Những lần sau, khi đủ “quyền sở hữu” thì được toàn quyền sử dụng.

Ai muốn quay trở lại kí ức tuổi thơ? (Nguồn ảnh: Internet)

Những đồng tiền xu có sức hấp dẫn bọn trẻ con đến lạ. Hấp dẫn bởi nó không chỉ là những đồng tiền bình thường mà đó là “phương tiện” để tổ chức các trò chơi “đánh xu, đánh đáo”. Từ những đồng tiền xu, ấy thế mà lũ trẻ con chúng tôi sáng tạo ra hàng loạt trò chơi không biết chán.

Chiến lợi phẩm trò chơi không phải là những đồng tiền mà là cái búng tai, búng mũi, cõng chạy hoặc khi thì một loại quả nào đó vừa kiếm được. Nếu đánh trận cả buổi thì vạch lại tính điểm. Đứa nào thua có thể ngày mai mang cặp đi học  hoặc đi lùa trâu cho kẻ chiến thắng. Nói chung, trò chơi bằng đồng tiền nhưng tuyệt nhiên không phải đánh bạc.

Thằng Phú có bố làm thợ rèn nên trì của hắn luôn đỉnh. Cạnh trì lúc nào cũng sắc lẻm. Thường thì nó không cố để thắng mà nhe nhắm đi trì lên mặt đồng xu để “phá hoại” xu của “đối thủ”. Có lần, bị thằng Phú để lại một khe sâu hoắm ngay giữa đồng xu mới vừa đổi được của thằng Tuyến, thằng Tuyến khóc ré lên vì tiếc. Nhưng chẳng sao, những đồng xu khi cũ quá, chỉ cần một khoản “hoa hồng” thì chị bán ở cửa hàng sẽ luôn mỉm cười với cả bọn.

(Nguồn ảnh: Intener)

Cách đây không lâu, Ngân hàng nhà nước đã phát hành đồng tiền kim loại và được đón nhận của rất nhiều người không hẳn là để trao đổi, mua bán mà để khơi dậy trò đánh xu, đánh đáo. Còn nhớ, ngay sau khi được phát hành, khắp hang cùng ngõ hẻm, người chơi những trò ấy không phải là trẻ con mà hầu hết là người lớn. Họ tìm về tuổi thơ. Nhưng...phần thắng không bao giờ là cái búng tai, búng mũi mà là những tờ tiền mệnh giá lớn. Đó đích thị là trò đánh bạc. Tuy nhiên, trò này không được chơi lâu vì nó chẳng có điều gì bí ẩn, những thằng “ma xó cao tay” thường ăn hết tiền của đối thủ nên chẳng ai dại gì mà chơi với nó. Trò chơi biến mất trong một thời gian ngắn. Điều lạ, chỉ một thời gian ngắn, đồng tiền kim loại cũng không còn được lưu thông trong thực tế.

Không biết những ai còn nhớ những trò chơi từ những đồng xu?

Quốc Hiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến