Dòng sự kiện:
Lãi suất chưa thể giảm thêm
15/12/2017 11:33:00
NHNN đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ mới giảm được lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, còn trên mặt bằng chung lãi suất vẫn chưa giảm.

Lo tăng tín dụng, quên lãi suất?

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đã đạt hơn 1,7 triệu đồng, tăng 15,57% so với tháng 12/2016. Dự ước đến cuối năm 2017 dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước. Còn tính chung cả nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết trong tháng 11 tín dụng cũng được đẩy nhanh, ước tính đến cuối tháng 11 tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm.

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung, dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn. Cụ thể, tín dụng trung và dài hạn ước tăng 12,7% so với cuối năm 2016, chiếm 53,8% tổng tín dụng, tín dụng ngắn hạn ước tăng 18,6%, tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên 48,7%. Tín dụng bằng VNĐ chiếm khoảng 91,8%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,2% tổng tín dụng. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định năm nay sẽ khó đạt được mức tăng trưởng tín dụng 21 - 22%, vì 11 tháng tăng tín dụng chỉ mới đạt gần 16%. Từ đây đến cuối năm tăng thêm 5% rất khó và cũng không nên đẩy mạnh vì sẽ khiến nguồn tiền ra nền kinh tế quá nhiều. Hơn nữa, điều kiện hiện tại cũng không áp lực tăng tín dụng đến 21%.

Với tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, theo thông lệ quốc tế tăng trưởng tín dụng chỉ cần gấp 2,5 lần trên tăng trưởng GDP, như vậy tín dụng cuối năm chỉ cần đạt ở mức 16,75% hoặc 17% và trong tháng cuối năm này chỉ cần tăng thêm 1,5 - 2% là đủ. Vấn đề quan trọng cần quan tâm là làm sao giảm được lãi suất. 

Tháng 7/2017, NHNN đã giảm lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và yêu cầu các NH giảm lãi suất cho vay. Theo đó, 5 lĩnh vực ưu tiên đã được hưởng chính sách ưu đãi của NHTM và hy vọng dần dần đẩy mặt bằng lãi suất chung trên toàn nền kinh tế xuống thấp hơn. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Tại thời điểm này, lãi suất huy động lại còn đang rục rịch tăng lên và sẽ kéo dài đến cuối năm do chu kỳ của nền kinh tế, các NH hiện tại vẫn đang đẩy tín dụng rất mạnh nên cần huy động nhiều vốn nên giảm lãi suất cho vay vẫn là vấn đề khó khăn.

Ảnh minh họa. 

Tiếp diễn cạnh tranh huy động 

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong tuần đầu tháng 12, thị trường OMO không có hoạt động bơm mới, nhưng qua kênh tín phiếu NHNN đã phát hành 15.100 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 55.600 tỷ đồng, như vậy NHNN đã bơm ròng 40.500 tỷ đồng vào thị trường. Đồng thời, lãi suất liên NH trung bình trong tuần có xu hướng bật tăng đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ tăng ở mức 0,24 - 0,52%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,52% đạt mức 1,29%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,36% đạt mức 1,42%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,24% đạt mức 1,61%/năm. Xu hướng tăng trở lại của lãi suất liên NH, kết hợp với động thái bơm ròng vốn qua kênh tín phiếu của NHNN, cho thấy thanh khoản hệ thống bớt dồi dào hơn so với tuần trước đó. 

Trên thị trường, các NH cũng đang tích cực cạnh tranh huy động vốn thông qua các chương trình khuyến mại về lãi suất, quà tặng để đảm bảo thanh khoản. Hiện nay, gửi kỳ hạn trên 6 tháng, người gửi tiền dễ dàng nhận được lãi suất 7 - 8% tại nhiều NH. Một số NH lớn như BIDV và Vietinbank gần đây tăng mạnh lãi suất.

Cụ thể tại BIDV, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ lên mức 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,4% lên mức 5,2%/năm. Vietinbank cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn dưới 12 tháng thêm khoảng 0,3%. Đầu tháng 12, Sacombank cũng đã tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm đối với hình thức nhận lãi hàng tháng tăng dao động từ 0,09 - 0,42%, lãi suất tiết kiệm đối với hình thức nhận lãi cuối kỳ tăng dao động từ 0,1 - 0,4%. 

Hiện nay nhiều NH vẫn tiếp tục gọi vốn thông qua kênh trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, như NCB hiện đang triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi VNĐ cho các khách hàng cá nhân với lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm. Vietinbank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong đợt 1 chào bán ra công chúng từ ngày 25/10 đến 13/11, với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,2%/năm và có điều chỉnh định kỳ. Đợt phát hành trái phiếu lần 2 của NH này diễn ra từ 22/11 đến 12/12 với 2.200 tỷ đồng trái phiếu được bán ra.

Khó giảm lãi suất đại trà

Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, việc tăng cường huy động bằng mọi cách của các NH ngoài yếu tố mùa vụ còn để chuẩn bị cho năm 2018, đó là tránh bị động trong cho vay khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống theo quy định của NHNN. Để có được mặt bằng lãi suất hiện tại, ngành NH cũng đã có nhiều cố gắng, còn đòi hỏi giảm nữa là khó, chưa kể khi tín dụng tiêu dùng bùng nổ cũng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung.

NHNN giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn cũng có điều kiện khắt khe, không phải NH nào cũng vay được nên khó có tác dụng đại trà. Hiện chỉ có những DN lớn mới có thể được hưởng lãi suất như NHNN đề cập đến nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Nguyên nhân vì các DN lớn thường có có giao dịch trên tài khoản vãng lai lớn, NH muốn hợp tác để tận dụng nguồn tiền chảy vào trên tài khoản này nên sẵn sàng áp dụng lãi suất ưu đãi.

Trong bối cảnh như vậy, để hỗ trợ DN, NHNN dự kiến tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ trong năm 2018. Nếu thông qua, năm 2018 sẽ là năm thứ 6 gia hạn quy định cho phép cho vay bằng ngoại tệ. Năm nay, nhu cầu vay ngoại tệ cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng khi tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016, qua 11 tháng ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ năm 2016 tăng 5,8%. Một số chuyên gia cho rằng, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh cho thấy đã có sự nới lỏng của cơ quan quản lý trong bối cảnh tỷ giá ổn định và đối tượng vay được siết lại. 

Tiếp tục cho vay USD sẽ giúp DN tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,6 - 6%/năm, trong khi đó vay VNĐ với ngắn hạn từ 6,5 - 9%/năm, lãi suất trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm.

Theo đó, các DN xuất khẩu có thể giảm được một phần rất lớn về chi phí tài chính. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ, còn muốn giảm lãi suất VNĐ trên diện rộng đòi hỏi NH cần phải tăng cường chất lượng tín dụng, giảm chi phí hoạt động nhưng điều này cần phải có thời gian và tiết kiệm chi phí đáng kể từ các NHTM. 

Theo Sài gòn đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến