Dòng sự kiện:
Lắm kế trì hoãn cổ phần hóa, thoái vốn
01/04/2019 10:27:55
Đưa giá quá cao khiến không bán được cổ phần, chính quyền địa phương chậm chạp phê duyệt phương án sử dụng đất, hoặc chưa hiểu rõ quy định pháp lý đều có thể là những cái cớ để trù trừ việc bán vốn nhà nước tại DN.

 

TKV là một trong các trường hợp gần như chắc chắn “chốt sổ” cổ phần hóa trong năm nay.

Chưa đọc kỹ quy định nên… kêu vướng

Để thoái vốn, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã vài lần đấu giá cổ phần tại Công ty Giấy Phương Nam nhưng không nhà đầu tư nào mua. Tổng công ty Thép muốn thoái vốn khỏi Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, thậm chí có thể bán cả doanh nghiệp, nhưng không thể thực hiện được vì chưa xử lý xong tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

“Phần vốn nhà nước có thể bán tốt lại vướng, còn nhiều trường hợp không vướng lại không hấp dẫn nhà đầu tư” - đó là chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính về nguyên nhân gây chậm trễ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian qua.

Trong đó, trở ngại chính là do chưa xử lý được rắc rối về đất đai hoặc tài chính. Về đất đai, vướng mắc chủ yếu là những trường hợp đất chưa đủ giấy tờ chứng nhận, chưa xác lập quyền sử dụng đất. “Có doanh nghiệp muốn được tạm tính giá trị đất trong trường hợp như vậy nhưng không thể được vì sẽ có rủi ro gây thất thoát tài sản nhà nước sau khi bán vốn. Chẳng hạn, một mảnh đất được tạm tính là đất làm nhà xưởng nhưng sau khi thuộc sở hữu tư nhân và biến thành khu đô thị thì giá trị đất đã hoàn toàn thay đổi”, vị Cục trưởng phân tích.

Về tài chính, những tranh chấp và sự thiếu rõ ràng về giá trị tài sản doanh nghiệp cũng gây khó cho nỗ lực muốn bán vốn nhà nước. Điển hình là sai phạm trong việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của AVG đã làm chậm quá trình cổ phần hóa của Mobifone.

“Nhìn bề ngoài, những nguyên nhân như trên có tính khách quan, nhưng xem xét thấu đáo lại xuất phát từ những lý do rất chủ quan. Rà soát các quy định pháp lý cho thấy, chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khuôn khổ pháp lý đã bám sát thực tiễn. Song, việc tổ chức thực hiện là chưa tích cực”, ông Tiến nhấn mạnh.

Không chỉ từ doanh nghiệp, tình trạng chậm trễ cổ phần hóa và thoái vốn có nguyên nhân từ cả địa phương. “Có địa phương rất chậm chạp phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất nên doanh nghiệp không thể kịp thời tính được giá trị đất vào doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân chủ quan”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.

Đáng chú ý, trong nhiều trường hợp, cách hiểu của doanh nghiệp về quy định của Nhà nước là chưa đúng. “Có doanh nghiệp kêu vướng quy định nên không tính được giá trị doanh nghiệp. Nhưng khi chúng tôi làm việc trực tiếp, hỏi doanh nghiệp đã đọc kỹ quy định chưa thì hóa ra họ đọc chưa kỹ và sau đó lại hết vướng”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết. 

Sẽ xử lý từng trường hợp 

Bộ Tài chính cho biết, chủ trương thu gọn doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ quán triệt và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, các trường hợp gần như chắc chắn “chốt sổ” cổ phần hóa trong năm nay là Agribank, VNPT, Mobifone và TKV.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong quý I năm nay, Bộ Tài chính đã rốt ráo đốc thúc các địa phương rà soát và giải quyết các vướng mắc về đất đai. “Nhanh hay chậm trong giải quyết vấn đề đất đai với cổ phần hóa và thoái vốn phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Họ chịu trách nhiệm về phương án quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất. Từ các dữ liệu đó, giá trị đất tại doanh nghiệp mới được tính đúng, tính đủ để thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước”, ông Tiến phân tích.

Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chỉ thị về tăng cường sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ Tài chính có thể bổ sung thông tư hướng dẫn các nghị định về nội dung đất đai để làm rõ.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình phê duyệt đất khi cổ phần hóa để đảm bảo doanh nghiệp nắm được từng bước, phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp hoặc địa phương ở từng khâu thực hiện”, ông Tiến cho biết.

“Trong một số trường hợp vướng mắc do nguyên nhân khách quan, Bộ Tài chính đang tham mưu với Chính phủ cách giải quyết từng trường hợp. Đã đến lúc phải xem lại cách tính giá cổ phần của Giấy Phương Nam thực tế hơn theo thị trường. Trường hợp quyết định đầu tư sai dẫn đến thua lỗ mà vẫn xác định giá cổ phần theo tính toán sai lầm đó thì phải xem lại và quy trách nhiệm cá nhân”, ông Tiến cho biết thêm.

Như vậy, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ rất áp lực trong năm nay và năm sau vì phải xử lý “hàng tồn” của những năm trước đó. Nếu không có biện pháp quyết liệt, sẽ không thể thực hiện được Kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ.

Năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Về thoái vốn, năm 2018 chỉ thực hiện thoái vốn 57 doanh nghiệp, chưa bằng 1/3 con số 181 doanh nghiệp theo kế hoạch đặt ra. Từ đầu năm đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Nguồn: Bộ Tài chính

Theo báo Đấu Thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến