Dòng sự kiện:
Lo ngại Big C đuổi dần hàng Việt ra khỏi siêu thị?
05/07/2019 07:40:44
Câu chuyện hệ thống siêu thị Big C tạm ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại việc Big C và hàng loạt các siêu thị ngoại khác đang có kế hoạch “đuổi dần” hàng Việt ra khỏi siêu thị.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, Big C tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 – 30% giá trị. Như vậy, vô hình chung họ đã đuổi hàng Việt ra khỏi hệ thống của mình. Nay, việc tạm nghừng nhập mặt hàng may mặc của Việt Nam càng thêm rõ ý đồ của Big C.

Câu chuyện về chiết khấu tăng cao trong siêu thị ngoại được ông Phú lấy ví dụ: Ngay trong tháng 3/2019 vừa qua,  sự vô lý khi đưa hàng hóa Việt vào siêu thị: một mã hàng miến dong vào kí gửi ở siêu thị LT, chi phí vào quầy kệ lần đầu là 20 triệu đồng, tạo một mã hàng 8 triệu đồng, chưa kể chiết khấu khoảng 15-20%, chi phí kế toán, chi phí bầy kệ, chi phí sinh nhật... Ngược lại, cũng cân miến đó vào siêu thị HPR thì chi phí vào lần đầu là 8 triệu đồng, chi phí tạo 1 mặt hàng là 500.000 đồng, chiết khấu khoảng 12-15%, khá hợp lý. Câu hỏi đặt ra tại sao cùng trên một mảnh đất Thủ đô do Sở Công thương quản lý lại có 2 hiện tượng trái ngược và chênh lệch vô lý đến vậy? Chi phí vào siêu thị LT gấp 3-4 lần chi phí vào siêu thị HPR.

"Nói đi thì cũng nói lại, không phải tất cả siêu thị trong và ngoài nước đều có những hiện tượng như vậy, mặc dù hiện tượng này khá phổ biến ở những siêu thị lớn, có doanh số cao, địa thế đẹp, có thế mạnh đàm phán với nhà cung cấp", ông Phú nói.

Theo ông Phú, những hiện tượng đang diễn ra phổ biến hàng chục năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, Hiệp hội ngành nghề bán lẻ, các Sở Công thương tỉnh, thành phố có biết việc này một cách đầy đủ và thấu đáo?

"Tôi chưa thấy những cơ quan đó có tiếng nói lập trường rõ ràng về vấn đề này. Chúng ta phát triển kinh tế thương mại theo nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước, có cả một Cục quản lý Cạnh tranh để phân xử những hiện tượng chèn ép độc quyền trong một nhóm các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa Việt Nam mà chưa bao giờ bị tuýt còi xử lý, nhằm đem lại niềm tin cho nhà sản xuất và cung ứng hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Việt Nam. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt của thị trường trong nước đối với sự xâm nhập ngày càng mãnh mẽ của hàng hóa và hệ thống phân phối nước ngoài vào thị trường Việt Nam", ông Phú nói.

Ngoài vấn đề chiết khấu, ông Phú cho rằng, trong Luật Thương mại ghi rõ:  “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng hóa của các nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”. Câu hỏi đặt ra là “Thế nào là lý do chính đáng?” thì lại chưa có văn bản nào giải thích. Các nhà sản xuất và cung ứng hàng Việt vào siêu thị nếu không chấp nhận những điều kiện đơn phương vô lý của một số siêu thị có thế mạnh thì siêu thị có “quyền từ chối” nhà cung cấp đáng thương đó không với lý do “vô cùng chính đáng” của họ? Đó là sự áp đặt mọt chiều và rất vô lý.

"Chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế chia sẻ, một nền thương mại công bằng ở thị trường Việt Nam. Đề nghị dư luận hãy lên tiếng mạnh mẽ về những tồn tại nói trên của mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng Việt với một số siêu thị độc quyền. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề chân chính hãy có những ý kiến chỉ đạo, phê phán một cách kiên quyết, đúng pháp luật về những hiện tượng đang tồn tại ở thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay nhằm bảo vệ hàng Việt, bảo vệ những nhà sản xuất Việt Nam đang có ý chí vươn lên làm chủ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và nhà nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay", ông Phú kiến nghị.

Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến