Dòng sự kiện:
Lũ dâng cao, vùng đầu nguồn Đồng Tháp nhiều nhà ngập tới nóc
06/09/2018 06:34:15
Những ngày qua, tại các vùng đầu nguồn của Đồng Tháp, nước lũ dâng cao, nhiều nơi ngập sâu đến 2 - 3m. Giao thông nông thôn bị chia cắt, việc sinh hoạt và đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp thông tin: “Tình hình thủy văn trên sông MeKong còn diễn biến phức tạp, cần chủ động ứng phó với lũ lớn, đặc biệt khi xảy ra các tình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực”.

Nước lũ dâng cao, người dân chủ yếu di chuyển bằng xuồng trong mùa lũ.

Nước lũ đầu nguồn chảy xiết gây nguy hiểm.

Tại các xã vùng trũng thấp như Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (Hồng Ngự), nước lũ đã tràn các cánh đồng. Một số tuyến đường nội đồng bị nước lũ chia cắt, nước chảy mạnh, tràn mặt đường, người dân lưu thông qua đây rất vất vả.

Đến nay, vùng đầu nguồn có 23ha lúa thu đông, 136ha hoa màu, 32ha cây ăn trái (không nằm trong quy hoạch, chưa có đê bao kiên cố) bị thiệt hại do lũ.

Đỉnh lũ năm tại khu vực này cao hơn báo động cấp III khoảng 0,1 - 0,3m và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,4 - 0,6m. Ngoài ra, mực nước khu vực phía Nam xuống dần trong khoảng 5 ngày đầu tháng 9, sau đó tăng cao dần đến cuối tháng 9 và đạt đỉnh trong khoảng nửa đầu tháng 10.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Để ứng phó với tình hình lũ lớn, hiện nay, địa phương đã có công tác chuẩn bị, củng cố các chốt cứu hộ cứu nạn trên các điểm xung yếu. Riêng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh cũng có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm. Khi có lũ lớn đột biến xảy ra sẽ có phương án di dời người dân đến nơi an toàn”.

Người dân khẩn trương gia cố lại nhà cửa cho an toàn trong mùa lũ.

Vật nuôi của các hộ dân cũng phải tìm chỗ “né” lũ.

Nhà dân sắp bị nước lũ dâng cao ngập sàn.

Nhà dân bị ngập tới nóc.

Do nằm ở khu vực đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp nên năm nay khi lũ về sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm đã khiến một số khu vực ở Hồng Ngự ngập sâu, có nơi từ 2-3 m.

Tại ấp Giồng Bàn (xã Thường Phước 1), có 20 học sinh phải ngồi đò, mặc áo phao vượt chặng đường khoảng 5km để đến trường.

Theo Công an nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến