Dòng sự kiện:
Luân chuyển hàng loạt chức danh chủ chốt để loại bỏ những cán bộ thiếu năng lực
25/11/2018 19:15:17
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa luân chuyển hàng loạt cán bộ chủ chốt của các địa phương, qua đó đã phát hiện được những cán bộ có năng lực nổi trội, đồng thời loại bỏ những trường hợp yếu kém.

Giải quyết tình trạng cục bộ, bè phái tại địa phương

Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ của tỉnh Thanh Hóa là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước cũng như người dân xứ Thanh. Tại các địa phương đã thay đổi hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt khi tỉnh này thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động, bố trí các chức danh bí thư, chủ tịch không phải người địa phương.

Ông Lại Thế Nguyên, Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tập trung cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ chính trị, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế.

Theo đó, toàn tỉnh đã giảm được 1.939 người. Điều này khiến cho bộ máy hoạt động gọn nhẹ, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước. Đến nay có 22/27 huyện, thị, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải người địa phương, có 421/635 xã, phường, thị trấn bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải người địa phương.

Ông Nguyễn Đức Đồng, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Như Xuân.

Huyện Thường Xuân và Như Xuân được đánh giá là những đơn vị thực hiện công tác cán bộ có nhiều chuyển biến lớn.

Ông Nguyễn Đức Đồng, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Như Xuân cho hay, huyện Như Xuân đã thực hiện quyết liệt việc luân chuyển, điều động các cán bộ chủ chốt tại các ban, ngành, cơ sở. Theo đó, huyện đã luân chuyển 4 người, điều động 11 người từ cấp huyện về xã giữ các chức danh bí thư, chủ tịch xã và từ xã lên huyện.

“Công tác luân chuyển, điều động cán bộ trước hết ưu tiên những cán bộ trẻ, có năng lực trình độ đảm bảo tiêu chuẩn. Hiệu quả trước hết là tạo ra không khí làm việc mới tại địa phương, cũng chính là nâng cao năng lực thực tế và trách nhiệm của các cán bộ, tạo động lực cho bản thân họ phát huy, phấn đấu. Bởi đến cơ sở mới, họ phải làm thế nào để chứng minh được năng lực với cán bộ, với người dân địa phương để tạo được uy tín của bản thân. Trước đây, các cơ sở có tình trạng cục bộ, bè phái, trì trệ, làm việc nể nang, bao che vì quan hệ họ hàng, làng xóm thì đến nay điều này phải thay đổi”, ông Đồng nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Đồng, một số cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì huyện cho nghỉ như trường hợp Chủ tịch xã Thanh Xuân, Chủ tịch xã Hóa Quỳ…

Trưởng ban tổ chức huyện ủy Như Xuân cũng chia sẻ thêm: “Trong quá trình thực hiện, cũng sẽ phát sinh những vướng mắc như một số địa phương không ủng hộ bởi tâm lý cục bộ, không thích người nơi khác đến lãnh đạo địa phương mình. Tuy nhiên, điều này chúng tôi phải vận động, tuyên truyền, đến nay cơ bản công tác đã ổn định. Bên cạnh đó, một số cán bộ trẻ từ huyện điều động về xã, chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với dân sẽ có những bỡ ngỡ, nhưng qua quá trình làm việc, sẽ giúp họ được rèn luyện, trưởng thành, vẫn có những sai sót nhỏ nhưng không có gì nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn theo dõi, đánh giá liên tục, có gì vướng mắc thì phải giải quyết ngay”.

Bà Vi Thanh Hương (bên phải) là Bí thư Đảng ủy xã duy nhất là nữ và trẻ nhất của huyện Như Xuân 

Bà Vi Thanh Hương (SN 1984), là cán bộ nữ duy nhất và trẻ nhất của huyện được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quỳ.

Nữ cán bộ được đánh giá có phong thái năng động, cởi mở, từng trải qua 11 năm làm Bí thư huyện đoàn, 1 năm làm Phó chủ tịch HĐND huyện.

Bà Thanh Hương cho biết: “Nhận nhiệm vụ về công tác ở cơ sở từ tháng 6/2017, ban đầu tôi cũng có lo lắng khi chưa có kinh nghiệm ở vị trí mới. Trước đây thì làm công tác chuyên môn chỉ nắm một lĩnh vực cụ thể. Trong khi công việc mới đòi hỏi phải chỉ đạo, nắm bao quát mọi mặt của địa phương. Xác định đây là cơ hội để được cọ xát và trưởng thành nên tôi phải cố gắng học hỏi, gần gũi, lắng nghe và giải quyết những khúc mắc của người dân”.

Loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực

Huyện Thường Xuân được đánh giá là công tác cán bộ được tiến hành đồng bộ, hàng loạt lãnh đạo xã được bố trí không phải người địa phương.

Ông Nguyễn Đình Thành, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Thường Xuân cho biết: Đến nay, huyện đã có 16/17 xã , thị trấn có ít nhất 1 cán bộ chủ chốt không phải người địa phương.

“Việc bố trí cán bộ không phải người địa phương nhằm tránh được sự khép kín, sự nể nang trong công việc bởi quan hệ anh em, dòng họ. Từ đó, cán bộ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình hơn, mọi công việc đều thực hiện theo quy trình, nguyên tắc chung. Qua đó, cũng phát hiện những cán bộ không có năng lực, yếu kém để loại bỏ. Tại cơ sở mới, nếu không cố gắng, không nhiệt tình thì sẽ không tạo được tín nhiệm với địa phương. Khi phát hiện những trường hợp như thế, chúng tôi sẽ rút về, sắp xếp nhiệm vụ khác, nếu cần thiết thì cho nghỉ. Đơn cử như có 2 trường hợp được thay thế bởi không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho hay, khi luân chuyển từ xã này sang xã khác, những lãnh đạo cũ cũng để lại nhiều tồn động cần được giải quyết liên quan đến đất đai, tài chính hay vây cánh bè phái, khó khăn này đặt lên vai người mới.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn

Ông Lê Văn Hùng (SN 1982) được điều động từ phòng chuyên môn của huyện Thường Xuân về giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Lương Sơn từ năm 2015. Ông Hùng cho biết, đây là địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự, tính đoàn kết của cán bộ cơ sở cũng chưa cao, trình độ chuyên môn còn thấp, vì thế ban đầu khi nhận nhiệm vụ ông cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt, chủ động của một lãnh đạo trẻ đã tạo nên nhiều đột phá.

“Điều quan trọng nhất là phải có được sự ủng hộ của người dân, sự tin tưởng của cấp trên và đồng nghiệp. Vì thế, tôi phải phá vỡ những lối mòn, sự trì trệ, quan liêu trong cách làm việc trước đây của địa phương. Nếu trước đó, người dân đến làm việc tại phòng một cửa hết sức khó khăn, phải chờ đợi được giải quyết rất lâu vì thủ tục rườm rà. Với tôi, không để người dân phải chờ đợi, nếu có vấn đề khúc mắc, tôi sẽ tiếp công dân ngay tại phòng làm việc. Từ đó, phát hiện và giải quyết nhiều những mâu thuẫn tồn đọng kéo dài mà lâu nay họ không được đáp ứng”.

Sau 3 năm, từ một xã yếu kém, địa phương này đã xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế. Liên tục nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

“Mặc dù xã Lương Sơn không nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới của huyện trong năm nay, nhưng chúng tôi đã nỗ lực để vượt kế hoạch, các tiêu chí cơ bản đã đầy đủ, hiện đang làm hồ sơ thẩm định để được công nhân xã nông thôn mới vào cuối năm nay”, ông Hùng tự hào nói.

Lương Diễn 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến