Dòng sự kiện:
Lực đẩy tín dụng cuối năm
25/11/2017 14:30:40
Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2017 ở mức 13,66% là không có gì đột biến. Vậy lực đẩy nào cho tăng trưởng tín dụng 2 tháng cuối năm để đạt mục tiêu đề ra cho cả năm là 21%?

Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2017 ở mức 13,66% là không có gì đột biến. Tuy nhiên, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định trước Quốc hội rằng tín dụng đang chảy đúng hướng và với các biện pháp điều hành, tín dụng sẽ “cán đích” như kế hoạch. Vậy lực đẩy nào cho tăng trưởng tín dụng 2 tháng cuối năm, khi còn đến 1/3 lượng vốn phải đưa vào nền kinh tế mới đạt mục tiêu đề ra cho cả năm là 21%?

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm (Ảnh: Huy Anh)

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Do tăng tốc tín dụng ngay từ những tháng đầu năm nên đến khoảng tháng 9, nhiều ngân hàng đã sử dụng cạn, thậm chí dùng hết chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao ở mức từ 14% - 16%. Thời gian qua, không ít các ngân hàng thương mại đã được NHNN tăng mức tín dụng so với kế hoạch ban đầu, thêm 2% - 3%, khi mục tiêu tín dụng cả năm 2017 tăng lên 21%.

Để đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm, bên cạnh các gói tín dụng giá rẻ phục vụ sản xuất kinh doanh, hiện nhiều ngân hàng đã tung ra các sản phẩm cho vay tiêu dùng kèm việc thu gọn thủ tục hồ sơ, điều kiện vay dễ dàng hơn, để kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, PVcomBank có sản phẩm cho vay siêu tốc mua xe 4 bánh, chỉ với thời gian làm hồ sơ trong 4 giờ. OCB cho vay mua ô tô lãi suất chỉ từ 6%/năm, với thủ tục hồ sơ nhanh chóng và giải ngân trong 2 giờ… 

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại tại TPHCM cũng thừa nhận hiện đang xin nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, trong đó tập trung vào cho vay tiêu dùng. Thậm chí, một số ngân hàng còn giao chỉ tiêu cho các nhân viên nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Thực tế cũng cho thấy, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng cũng đã tăng nhanh từ đầu năm 2017 tới nay, trong đó, cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà tăng mạnh nhất. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016. Hiện nhiều ngân hàng cho vay tiêu dùng đang chiếm trên 10% dư nợ. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, tiêu dùng chiếm đến 78% GDP, tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng. Điều này có nghĩa là nếu tiêu dùng tăng thêm 1% thì nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, giúp tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt mức kế hoạch 6,7%. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến an toàn cho hệ thống, vì cho vay tiêu dùng luôn rủi ro và nợ xấu cao. 

Không tăng bằng mọi giá

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 như vậy, room để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21% còn khá lớn. Chỉ riêng TPHCM, tính đến hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM tăng 14,59% so với cuối năm 2016. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 của TPHCM khoảng 20%, trong 2 tháng cuối năm, dư địa tín dụng còn 5,41%, tương ứng khoảng 80.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Khối Nghiên cứu chiến lược và quan hệ kinh doanh quốc tế Ngân hàng LienVietpost Bank, cho rằng thông thường, tăng trưởng tín dụng quý 4 thường đóng góp từ 1/3 mức tăng trưởng cả năm. Chẳng hạn như trong năm 2016, tín dụng tăng trưởng phi mã từ 14,57% ngày 28-11 lên đến 18,25% chốt vào ngày 31-12. Theo ông Duẩn, hạn mức tín dụng được giao của các ngân hàng từ đầu năm, kể cả mức tín dụng đã được tăng cũng còn rất hạn chế, vì ngân hàng có chất lượng tài sản khá tốt, tăng trưởng lành mạnh hiện cũng mới chỉ được giao mức tăng từ 18% - 21%. Như vậy, NHNN vẫn đang “dự trữ” một lượng chỉ tiêu nhất định chưa giao cho các ngân hàng. Lượng dự trữ này sẽ được “thả” vào dịp cuối năm để thúc đẩy đạt các mục tiêu đặt ra. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục cho phép tăng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại đang hoạt động hiệu quả và tỷ lệ nợ xấu thấp, ít rủi ro, có thể cung ứng vốn kịp thời vào các phương án sản xuất kinh doanh cuối năm; đồng thời giúp các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi…, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% năm 2017 là có thể đạt được. 

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng cuối năm, điều quan trọng là phải cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hạ lãi suất để kích thích vay vốn sản xuất kinh doanh. Theo TS Trần Du Lịch, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay thì tăng trưởng tín dụng năm 2017 ở mức 18% là tốt nhất. Bởi lẽ, với mục tiêu tăng trưởng 21%, để nền kinh tế có thể hấp thu lượng vốn lớn trong những tháng cuối năm là một thách thức. Việc đẩy vốn ra đột ngột trong thời gian ngắn có thể gây đến hậu quả khó lường cho nền kinh tế, trước hết là lạm phát, sau đó là nợ xấu.

Trả lời chất vấn của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, tăng trưởng tín dụng 21% không phải mục tiêu bắt buộc của Chính phủ và NHNN không yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Theo Thống đốc, NHNN đã xây dựng kịch bản điều hành cho 2017 là tín dụng tăng trưởng khoảng 18%, có sự điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến nền kinh tế. Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng và tín dụng phải đi vào sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng vẫn giữ tốc độ tăng tín dụng phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế, không gây áp lực lên lạm phát và kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dòng tín dụng chuyển tích cực khi đi vào các lĩnh vực mũi nhọn và tăng ở những lĩnh vực đang cần tăng, để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh.

Theo đó, 10 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9%, trong khi cùng kỳ năm trước là 8,3%. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng 10 tháng đầu năm nay tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016. Đáng chú ý, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng 10 tháng qua giảm còn 15,5%, trong khi cùng kỳ năm trước là 17,1%.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dòng tín dụng chuyển tích cực khi đi vào các lĩnh vực mũi nhọn và tăng ở những lĩnh vực đang cần tăng, để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh.

Theo đó, 10 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9%, trong khi cùng kỳ năm trước là 8,3%. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng 10 tháng đầu năm nay tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016. Đáng chú ý, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng 10 tháng qua giảm còn 15,5%, trong khi cùng kỳ năm trước là 17,1%.

 

Theo Sài gòn giải phóng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến