Lương hưu đã “còm” cớ sao còn tìm mọi cách để rút xuống?
03/10/2014 12:13:19
ANTT.VN - Theo hai phương án về cách tính tuổi nghỉ hưu và lương hưu mà Ban soạn thảo Dự luật Bảo hiểm xã hội mới đưa ra lương của người nghỉ hưu sẽ bị rút xuống khoảng 10% so với hiện tại.
Theo hai phương án về cách tính tuổi nghỉ hưu và lương cho người nghỉ hưu mà Ban soạn thảo Dự luật Bảo hiểm xã hội đưa ra trong phiên họp mới đây của ủy ban Các vấn đề xã hội, lương của người nghỉ hưu sẽ bị rút xuống khoảng 10% so với hiện tại. Điều này đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các đại biểu Quốc hội cũng như người dân. Đa số mọi người đều ngạc nhiên khi thấy lương hưu vốn đã “còm” lại rất có thể bị rút xuống một cách đáng kể.

Người lao động sẽ bị thiệt với cách tính lương hưu mới, đó không chỉ là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) mà là của nhiều vị ĐBQH, cũng như với xã hội nói chung. Theo Ban soạn thảo có hai phương án cho cách trả lương hưu mới. 

Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án hai là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Như vậy cả hai phương án này đều nhắm tới việc rút bớt lương hưu của người lao động khoảng 10%.

Lương hưu của người lao động giảm khoảng 10% nếu theo cách tính mà Ban soạn thảo Dự luật Bảo hiểm xã hội vừa đưa ra

Câu hỏi đặt ra là phương án trả lương hưu hiện thời (75% lương cơ bản) vì sao phải loại bỏ? Vì sao chỉ có phương án giảm (so với hiện hành) mà không có phương án tăng, trong khi suốt những năm qua đa số các đối tượng nhận chế độ lương hưu đều coi là quá khó sống, nhất là trong hoàn cảnh giá cả leo thang. Dư luận xã hội nóng lên, cho thấy việc trả lương hưu thế nào là vấn đề hệ trọng, liên quan đến rất nhiều người. Theo bà Đặng Thị Kim Chi (ĐBQH tỉnh Phú Yên) thì với hai phương án được đề xuất sẽ dẫn tới việc cả lao động nam và lao động nữ đều thiệt.

Theo phương án một, nam tham gia 30 năm thì được hưởng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nữ cũng thế. Nhưng nếu theo cách tính hiện hành thì cả nam và nữ với 30 năm công tác đều được hưởng 75%. Như vậy, nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thì người lao động sẽ mất 10%. Còn nếu thực hiện theo phương án 2, đến năm 2018 mức hưởng của nam và nữ là 73%; năm 2022 của nam là 65% và nữ là khoảng 60-61%. 

Theo bà Chi, cần giữ nguyên cách tính như hiện tại, khoảng 5 năm sau khi áp dụng mức tiền lương mới làm căn cứ đóng BHXH thì khi đó thay đổi cách tính lương hưu mới hợp lý.

Đồng quan điểm với bà Chi, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết việc điều chỉnh mức lương hàng tháng 45% là khi đó dự kiến Quốc hội chấp nhận tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60. Nhưng hiện đã bỏ điều này vì thế quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là giữ cách tính lương hưu như hiện nay.

Ngay sau khi hai phương án "rút” lương hưu do Ban soạn thảo đưa ra, trên các địa chỉ mạng xuất hiện nhiều ý kiến phản đối kịch liệt. Cô giáo Thu Hà cho biết: “Tôi là giáo viên, suốt đời làm việc chăm chỉ, thu nhập thấp, nhưng vẫn gắn bó với nghề gần hai chục năm nay. ước nguyện duy nhất là khi về hưu có thể sống đạm bạc được bằng lương hưu. Cách tính mới như thế này làm tôi thấy quá nản lòng”.      

PV (tổng hợp)                   

             
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến