Dòng sự kiện:
Lương thấp, nhà xa: Nữ giáo viên miền núi xứ Thanh 'dứt áo' ra khỏi ngành
09/10/2017 20:20:30
Mặc dù đã công tác trong ngành giáo dục 7 năm, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thành, giáo viên Ngữ văn trường THPT huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn viết đơn xin ra khỏi ngành.

Mới đây, dư luận xứ Thanh xôn xao về chuyện cô giáo Nguyễn Thị Thành (SN 1987), giáo viên môn Ngữ văn của Trường THPT Mường Lát viết đơn xin ra khỏi ngành giáo dục. 

Lá đơn viết tay xin ra khỏi ngành của cô Thành ghi rõ: “Tính đến thời điểm này, tôi đã công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát gần 7 năm. Gia đình tôi cách xa nơi công tác gần 250km. Bố mẹ ở quê đều đã có tuổi, 2 con còn thơ dại cần người chăm sóc, dạy dỗ. Bản thân tôi khi cố gắng bám nghề cũng phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn do đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con”.

 
Dù đã gắn bó với học sinh 7 năm, cô Thành vẫn quyết định "dứt áo" ra khỏi ngành

Được biết, gia đình cô ở huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá). Trong khi đó, chồng cô cũng là giáo viên dạy gần nhà ở quê. Hai vợ chồng đã có 2 cô con gái. Cháu lớn gần 5 tuổi ở quê với bố và ông bà nội, còn cháu bé chưa cai sữa, cô đưa theo lên Mường Lát với mẹ.

Dù là giáo viên thuộc biên chế của ngành và dạy miền núi nhưng đồng lương của cô chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng vì trường ở thị trấn nên không được hưởng các chế độ ưu tiên như các trường cấp 1 - 2 trong huyện. Với thu nhập đó, cuộc sống của cô rất vất vả, không đủ chi trả cho người giúp việc trông con và tiền sữa.

Cô Thành chia sẻ, dù còn rất yêu nghề nhưng sau một thời gian dài trăn trở, cô cũng đi đến quyết định cuối cùng, viết đơn gửi Ban giám hiệu Trường THPT huyện Mường Lát và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa xin giải quyết cho cô nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục theo đúng quy định của ngành và của Nhà nước bắt đầu từ ngày 10/10/2017.

Cô Thành cũng cho biết, cô đã tìm thấy hướng đi mới phù hợp hơn với bản thân khi sau khi nghỉ nghề giáo, đó là nghề thuốc nam.

 
Cô Thành khi còn đang giảng dạy tại trường

Ngày 9/10, trao đổi về việc cô Thành xin ra khỏi ngành, thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho hay, hiện tại nhà trường chưa nhận được đơn xin nghỉ việc của cô Thành mà mới chỉ nghe đồn. Tuy nhiên nhà trường cũng đã cử tập thể, công đoàn thăm hỏi, động viên cô Thành. Còn cụ thể, hướng giải quyết liên quan đến công việc của cô thì nhà trường sẽ tiếp tục thông tin sau. 

Theo thầy Văn: “Hồi đầu năm học, cô Thành xin phép nhà trường nghỉ một tháng để giải quyết chuyện gia đình. Theo kế hoạch thì cô sẽ trở lại trường vào đầu tháng 10 này nhưng tới nay vẫn chưa thấy cô đi làm việc”.

Thầy Văn cũng cho biết thêm, nguyên nhân đường xa, lương thấp, con nhỏ thì cũng đúng. Nhưng chủ yếu là do gia đình chồng cô Thành kinh doanh, không muốn cô công tác xa nhà, mà muốn cô ở nhà hỗ trợ. Có lẽ đó là những yếu tố khiến cô có quyết định như vậy.

Được biết, năm 2005, cô Thành là người đã đạt số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Huế. Sau đó, cô cũng tốt nghiệp đại học với số điểm khá cao khi đạt 7,95 điểm.

Những năm gần đây, công chức, viên chức nhà nước xin ra khỏi biên chế không còn là chuyện xa lạ hay hiếm gặp. 

Điển hình là trường hợp anh Đoàn Hùng Cường, từng là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Liêu (Quảng Ninh), người đã có 16 năm kinh nghiệm trong nghề dạy học quyết định viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục cuối tháng 8/2017.

Hay trước đó, vào năm 2016, cô giáo Vũ Thương Hà (SN 1982), công tác tại Trường Tiểu học xã Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa) viết đơn xin ra khỏi biên chế giáo dục. Cô Hà vào ngành từ tháng 10/2003, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ, chuyên ngành là giáo viên Tiếng Anh.

Lương Diễn


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến