Dòng sự kiện:
Mô hình tăng trưởng đang chuyển dịch theo chiều sâu
26/09/2018 22:51:29
Mô hình tăng trưởng của chúng ta trước đây tập trung nhiều vào chiều rộng, giờ đã chuyển sang vừa chiều rộng vừa chiều sâu, tập trung vào chất lượng tăng trưởng.

Năm 2018 là năm bản lề đánh giá lại khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Nhìn lại chặng đường đã qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tốt, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao, dự báo cả năm 2018 đạt 6,7% và triển vọng còn có thể đạt cao hơn. Đây là những tiền đề quan trọng để tiếp tục hoàn thành kế hoạch cả năm 2019 cũng như kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ KH&ĐT nhận định mô hình tăng trưởng đã có sự chuyển dịch tích cực sang chiều sâu. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước hết phải khẳng định lại rằng, mô hình tăng trưởng của chúng ta trước đây tập trung nhiều vào chiều rộng, giờ đã chuyển sang vừa chiều rộng vừa chiều sâu, tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Điều này thể hiện ở đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn, năm 2018 ước đạt 40,23%, cao hơn mức đóng góp 33,58% của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao (khoảng 30% - 35%). Năng suất lao động xã hội tăng đều qua các năm (trong đó năm 2018 ước tăng 5,55%; năm 2017 tăng 6%; năm 2016 tăng 5,3%), đều cao hơn mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015 và vượt mục tiêu 5 năm 2016-2020 Quốc hội giao.

Tình hình kinh tế phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện từ công nghiệp chế biến chế tạo phát triển nhanh, nông nghiệp được tái cơ cấu mạnh, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, đóng góp cho nền kinh tế nói chung. Về vĩ mô, các cân đối lớn được kiểm soát tốt, quan tâm nhiều tới văn hoá xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được thực hiện tốt…

Nền tảng đó tạo tiền đề thực hiện kế hoạch năm 2019 cũng như kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đặc biệt cần nhấn mạnh các thành quả của kế hoạch 2018 đang gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong năm 2019 để có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội?

Về năm 2019, cần xác định là năm quan trọng để đảm bảo hoàn thành kế hoạch 5 năm. Vì vậy phải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực để phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch chung của cả nước cũng như các địa phương. Đặc biệt phải cân đối trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, nhất là quốc tế với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ tăng cao... Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn dù quy mô chưa lớn, nên các ảnh hưởng bên ngoài hết sức quan trọng, phải theo dõi chặt chẽ để có điều chỉnh kịp thời.

Mặc dù có nhiều thách thức nhưng chắc chắn cũng mở ra nhiều cơ hội. Tôi muốn nhấn mạnh ý là phải nhận diện cho được thách thức của cả nền kinh tế, nhưng cũng phải tìm ra, thấy được đâu là cơ hội dành cho mình để kịp thời nắm lấy và hiện thực hoá đem lại động lực phát triển cho đất nước. Còn một bối cảnh nữa là cách mạng công nghiệp 4.0 phải chuyển hoá và thẩm thấu đến các cấp địa phương nữa. Các địa phương cần sớm thấy được cơ hội của mình trong phát triển. Chúng ta phải coi đây là cơ hội quý hiếm, ngàn năm có một để tăng tốc, rút ngắn khoảng cách, dựa vào đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ để bứt phá.

Vì vậy, tôi đề nghị cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, làm nền tảng cũng như củng cố vững chắc kinh tế, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong giai đoạn tới, đặc biệt gắn với cơ cấu lại nền kinh tế tạo động lực cho tăng trưởng mới hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước. Chúng ta đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhưng chúng ta không được lơ là vì các nước cũng đang thực hiện tốt việc này để mở rộng thương mại và thu hút đầu tư. Chúng ta cần tiếp tục duy trì thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 để tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển trong thời gian tới.

Xuất khẩu đang cho thấy là một động lực quan trọng của tăng trưởng

Thực tế cho thấy, các ách tắc của nguồn lực tăng trưởng hiện nay không chỉ nằm ở Luật Đầu tư công mà còn ở rất nhiều các luật khác. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ngoài Luật Đầu tư công, có 2 luật rất quan trọng tạo cơ sở để phân bổ nguồn lực. Trước hết là Luật Quy hoạch, hiện nay đã ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng bây giờ triển khai rất khó. Ban hành được luật này mất 3 kỳ họp đã khó rồi nhưng triển khai còn vô cùng khó. Đầu tiên là do khối lượng ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn rất lớn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tiêu chí phân vùng lãnh thổ để lập quy hoạch vùng cũng đang được xin ý kiến Thủ tướng và có thể cả ở cấp trung ương. Bởi lẽ khi xác định được vùng kinh tế mới lập được quy hoạch vùng. Trước đây chúng ta phân vùng kinh tế chủ yếu theo điều kiện địa lý gần nhau, không phân bổ theo không gian, khả năng liên kết, hay hỗ trợ bổ sung lẫn nhau, tác động lan toả tới nhau... Vấn đề này là của quá khứ, giờ đòi hỏi phải phân chia lại. Chúng tôi đang gấp rút ban hành các tiêu chí để thực hiện việc này thì các địa phương mới triển khai dự án được.

Luật thứ hai vô cùng quan trọng là Luật Hỗ trợ DNNVV, chúng ta ban hành rồi nhưng triển khai rất chậm. Làm sao phải thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, mới thực sự tạo động lực vững chắc cho tăng trưởng. Chúng ta hay nói công nghiệp hỗ trợ không phát triển được, liên kết DN trong nước và FDI lỏng lẻo... Phải nói ngay rằng FDI không có lỗi, chúng ta không kết nối được là do chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa trúng. Thế nên hiện nay trình độ và tiêu chuẩn giữa 2 khối chênh lệch nhau và khả năng kết nối bị hạn chế. Vậy phải điều chỉnh định hướng hỗ trợ theo hướng trọng tâm, trọng điểm với các khu vực kinh tế, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV, để DN lớn lên có cùng mặt bằng tiêu chuẩn với FDI và tự kết nối được với FDI để tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến