Dòng sự kiện:
Một góc nhìn khác về sự rớt giá của CNY
03/08/2018 08:32:42
Việc đồng CNY giảm giá rất mạnh trong những tuần gần đây được cắt nghĩa là do đồng tiền này đã được giữ ở mức cao hơn giá trị thực trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra...

Định giá quá cao nên rớt mạnh

Tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ (CNY) so với USD trên thị trường ngoại hối Trung Quốc đại lục giảm 0,35% xuống mức 6,8271 CNY/USD ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm thứ Tư (1/8) sau thông tin Chính quyền ông Trump có thể đề xuất áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.

Đồng CNY đã giảm rất mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu với việc Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc kể từ ngày 6/7 và sẽ mở rộng thêm 16 tỷ USD hàng hóa khác từ ngày 1/8. Trước đó, đồng CNY cũng đã suy yếu trong bối cảnh đồng USD mạnh lên nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng tốc thắt chặt tiền tệ.

Tính chung từ tháng 4 đến nay, đồng CNY đã giảm gần 8% so với đồng USD. Tuy nhiên không ít các chuyên gia kinh tế cho rằng, không hề có chuyện Trung Quốc phá giá đồng nội tệ nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Về mặt lý thuyết, tỷ giá của đồng CNY được thiết lập bởi một rổ gồm hơn 20 loại tiền tệ, nhiều loại trong số đó được gắn vào đồng đô la hoặc được quản lý hoàn toàn chống lại nó. Do đó, giá trị của đồng CNY luôn biến động ngược với chỉ số USD; khi đồng đô la tăng, đồng CNY đi xuống và ngược lại.

Việc đồng CNY giảm giá rất mạnh trong những tuần gần đây được cắt nghĩa là do đồng tiền này đã được giữ ở mức cao hơn giá trị thực trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Nguyên nhân một phần cũng bởi chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn dòng vốn chảy ra. Nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã để cho đồng CNY giảm nhanh hơn về đúng với giá trị thực của nó.

Các con số thống kê cũng cho thấy điều đó khi mà kể từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng 8,5%, song đồng CNY chỉ giảm khoảng 6,1% so với đồng bạc xanh. Trong khi đó, trong thời gian này, chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index đã giảm 6,4% - gần như hoàn toàn phù hợp với đồng nhân dân tệ, thậm chí còn cho thấy, đồng CNY thậm chí còn phải giảm thêm.

Hơn nữa, ngay cả khi đồng CNY giảm mạnh trong quý II, vẫn có 32 tỷ USD vốn ròng chảy vào Trung Quốc. Tất cả những điều đó cho thấy, việc đồng CNY giảm giá chỉ đơn giản là Trung Quốc đã chốt giá trị của đồng nội tệ so với rổ tiền tệ.

Một lý do nữa cũng được đưa ra để giải thích cho sự rớt giá của đồng CNY so với đồng USD là do kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, trong khi kinh tế Mỹ đang trên đà tăng tốc. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,7% trong quý II vừa qua, thấp hơn một chút so với mức 6,8% trong quý I và nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm lại trong quý III. Trong khi kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua là 3,1% trong quý II.

Ít có nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ

Với các phân tích trên, luồng ý kiến này cho rằng, ít có nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc để đồng CNY “rơi như một tảng đá” khiến Mỹ gặp bất lợi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Sở dĩ như vậy là do việc đồng CNY rớt giá mạnh cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc tăng giá gấp đôi do thuế quan và sức mua giảm do đồng tiền suy yếu.

Hơn nữa, việc đồng CNY rớt giá mạnh cũng có thể khiến thị trường tài chính Trung Quốc biến động mạnh và kích hoạt dòng vốn chảy mạnh ra khỏi Trung Quốc. Còn nhớ sau khi bất ngờ phá giá đồng CNY vào tháng 8, dòng vốn đã chảy mạnh ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc đã phải tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ USD dự trữ của mình để hãm lại đà giảm của đồng nội tệ và ngăn chặn dòng vốn chảy ra.

Theo ước tính của Morgan Stanley, Trung Quốc đã chứng kiến 10,7 tỷ USD chảy ra khỏi biên giới vào tháng 6. Đó chính là lý do Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang và các quan chức cấp cao khác đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ một đồng tiền ổn định. Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các bước để đảm bảo sự giảm giá của đồng nội tệ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát, như thực hiện kiểm soát chặt việc chuyển tiền vào và ra khỏi đất nước.

Lịch sử gần đây cũng cho thấy rằng Trung Quốc cố gắng hạn chế sự biến động của đồng CNY một khi nó chạm ngưỡng giới hạn dưới là 6,9 (CNY/USD) hoặc ngưỡng giới hạn dưới trên là 6,3 trên. Tuy nhiên, với mức tỷ giá giao ngay của đồng CNY so với USD tại thị trường nội địa đang dao động quanh ngưỡng 6,8 nhân dân tệ/USD, nhiều khả năng đồng tiền này có thể còn giảm thêm trước khi các cơ quan hữu quan của nước này ra tay can thiệp.

Ngoài ra việc để đồng CNY giảm giá dù có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Trung Quốc, nhưng nó có thể khiến Chính quyền Mỹ phản ứng và tiếp tục đưa ra nhiều rào cản thương mại khác. Trên thực tế, Mỹ đã không ít lần chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đã xem xét vấn đề giảm giá của đồng CNY trong Báo cáo bán niên của mình về thao túng tiền tệ.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, mà Trung Quốc có thể làm ngay bây giờ là làm rõ ý định của mình. Trái với Fed, thường rất quan tâm tới công tác giao tiếp với thị trường, thì ngược lại PBoC lại thường công bố hầu hết các thay đổi chính sách rất bất ngờ và cung cấp ít hướng dẫn về các mục tiêu của mình.

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin quen thuộc cho biết, chính quyền Trump có thể đề xuất áp thuế quan 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc sau khi triển khai tiếp thuế quan 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa trong những tuần tới (nằm trong danh mục thuế quan trị giá 50 tỷ USD mà Mỹ đã triển khai bước đầu với 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 6/7).


Theo Thời báo ngân hàng 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến