Dòng sự kiện:
Muôn màu chia cổ tức 2016
11/05/2017 21:36:42
Trong khi ngành ngân hàng và bất động sản chi trả cổ tức tiền mặt ở mức khá thấp, chủ yếu phát hành cổ phiếu để tăng vốn thì vẫn có rải rác các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức rất cao, lên tới hàng chục phần trăm.

Ngân hàng: cổ tức tiền mặt thấp

Năm 2016, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng được đánh giá là có nhiều khởi sắc hơn nhưng qua kỳ họp đại hội đồng cổ đông của một số ngân hàng vừa qua có thể thấy tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận không đồng nghĩa với việc các cổ đông sẽ được chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao.

Cụ thể, LienVietPostBank dự kiến mức cổ tức là 10%, trong đó chỉ có 4% là tiền mặt, 6% là cổ phiếu. Ngân hàng Quốc tế VIB được đại hội đồng cổ đông phê duyệt tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức rất cao (44,6%) nhưng cổ tức bằng tiền mặt chỉ là 5%, còn lại là chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (39,6%). Tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 của VIB tăng gần gấp đôi so với con số 25% của năm 2015 (bao gồm 8,5% cổ tức tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng), tuy nhiên mức chi trả bằng tiền mặt lại thấp hơn.

Ngân hàng VPBank thậm chí còn không có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt mà dành toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn. Ngân hàng này dự định tăng vốn hai lần trong năm nay. Đợt 1 sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng là 3.293 tỉ đồng. Đợt 2 phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn với mức tối đa là 1.332 tỉ đồng.

Tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần gốc quốc doanh, mức cổ tức bằng tiền mặt cũng không thay đổi nhiều so với năm trước đó. VCB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức 8%, tương đương với tổng số tiền là 2.878 tỉ đồng. Với BIDV, mức trả cổ tức bằng tiền là 7% dự kiến sẽ giúp Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỉ đồng tiền cổ tức từ ngân hàng này. 

Thực tế cho thấy các NHTM cho dù có muốn trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao cho các cổ đông thì cũng đang gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ lệ trả. NHNN những năm gần đây “soi” rất kỹ hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt, đặc biệt là đối với các ngân hàng còn đang vướng nợ xấu và năng lực tài chính chưa vững mạnh.

Tiếp đến là áp lực tăng vốn nhằm đáp ứng Thông tư 06 và xa hơn nữa là chuẩn Basel II buộc các ngân hàng phải ưu tiên cho việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Với những định hướng này thì cổ đông của các ngân hàng chắc chắn sẽ phải chịu cảnh cổ tức tiền mặt ở mức thấp thêm một vài năm nữa chứ không chỉ riêng trong năm 2016 vừa qua.

Bất động sản: cổ tức bằng cổ phiếu là chủ yếu

Cũng giống như ngành ngân hàng, kế hoạch chia cổ tức năm 2016 của các doanh nghiệp bất động sản cũng thiên nhiều về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn.

Công ty địa ốc lớn nhất cả nước là tập đoàn Vingroup quyết định không chia cổ tức năm 2016 dù lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến thời điểm 31-12-2016 trên báo cáo tài chính hợp nhất là 942 tỉ đồng. Số tiền 942 tỉ đồng sẽ được trích 5 tỉ đồng vào quỹ dự trữ, phần còn lại sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vingroup.

Kế hoạch chia cổ tức 2016 của ngành BĐS là chia bằng cổ phiếu

Tập đoàn FLC trình đại hội đồng cổ đông tỷ lệ trả cổ tức ở mức 10%, trong đó 3% bằng tiền và 7% bằng cổ phiếu. Hội đồng quản trị FLC trình việc phát hành 44,66 triệu cổ phần từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính. Thời điểm phát hành dự kiến trong quí 2- 2017 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Dự kiến vốn điều lệ sau phát hành tăng từ 6.380 tỉ đồng lên 8.827 tỉ đồng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) thông qua mức trả cổ tức rất cao (45%) nhưng chỉ có 10% là trả bằng tiền mặt, còn lại 35% chi trả thông qua phát hành cổ phiếu.

CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) trả cổ tức 15% trong năm 2016: 5% tiền mặt và 10% còn lại bằng cổ phiếu...

Với việc siết tín dụng theo Thông tư 06 của NHNN, hệ số rủi ro cho các khoản vay kinh doanh bất động sản được tăng từ mức 150% lên mức 200% trong năm 2017 và 250% trong năm 2018, thì nguồn vốn cho vay lĩnh vực này sẽ ít nhiều bị co hẹp lại. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải “tự lực”, chủ động hơn bằng cách tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu nhằm có được nguồn vốn trung và dài hạn thay cho các khoản vay nợ từ ngân hàng.

Tuy nhiên, phương án này có thể sẽ khiến các nhà đầu tư dè dặt rót vốn vào nhóm cổ phiếu bất động sản do rủi ro pha loãng ở hiện tại trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại là vấn đề trong tương lai. Ðó còn chưa kể đến việc nắm giữ quá nhiều cổ phiếu sẽ gây ra khó khăn trong việc bán ra nếu thanh khoản của cổ phiếu đó thấp.

Săn tìm doanh nghiệp trả cổ tức cao

Ngược lại với ngành ngân hàng và bất động sản, hiện trên sàn chứng khoán vẫn có khá nhiều các doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Ðiển hình như các trường hợp: CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 60%; CTCP Gỗ Ðức Thành (GDT) tỷ lệ 60%; CTCP MEINFA (MEF) tỷ lệ 50%; CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Ðà Nẵng (MAS) tỷ lệ 36%; CTCP Dược Hậu Giang (DHG) tỷ lệ 35%; CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) tỷ lệ 25%...

Nhóm các doanh nghiệp này thường rơi vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, phần nhiều thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng hoặc các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh nhất định do độc quyền. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, săn tìm các doanh nghiệp trả cổ tức cao vọt bằng tiền mặt thường chỉ là một tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, thường là ngay trước thời điểm chốt ngày giao dịch không hưởng quyền.

Ðối với những nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu tăng trưởng, cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao trong năm hiện tại đôi khi lại phản ánh tiềm năng tăng trưởng hạn chế của doanh nghiệp trong tương lai khi doanh nghiệp đó không có nhu cầu vốn nhằm mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất mới.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến