Dòng sự kiện:
Bí quyết làm món ‘giải ngán’ dịp Tết của làng nghề nức tiếng xứ Huế
18/01/2018 14:30:30
Trong các loại mứt, mứt gừng là món có vị hơi cay nhưng rất hợp vị và có thể ‘giải ngán’ sau khi thưởng thức các món ăn béo, nhiều đạm trong các cỗ Tết.

Với người dân xứ Huế và các vùng lân cận thì mứt gừng Kim Long, ở phường Kim Long, TP Huế là một cái tên đã quá quen thuộc.

Mứt Kim Long lâu nay đã nức tiếng về độ thơm, ngon, cay, giòn.

Cứ vào tháng Chạp hằng năm, các nhà làm mứt lại bắt đầu nổi lửa lò để bắt đầu vào mùa vụ. Không khí Tết về ấm áp khi các lò đỏ lửa suốt ngày. Để đáp ứng nhu cầu Tết, mọi người thường dậy từ lúc 3h sáng để cho kịp có mứt cho các nhà buôn đến lấy.

Vào những ngày giáp Tết, nguyên liệu làm mứt được chất đầy nhà. Có gia đình có nguyên nhà kho để bảo quản gừng được tốt nhất.

Gần giáp Tết người làm mứt ở Kim Long lại tất bật phục vụ các đơn hàng.

Công đoạn làm mứt ở Kim Long cầu kỳ. Theo những người làm mứt ở đây, gừng phải lấy từ gừng Tuần (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) rồi cắt, rửa sạch, thái lát, ngâm, luộc chín, sau đó bỏ vào chảo rim, đảo khô rồi đóng gói.

Tuy nhiên, để làm nên một thương hiệu vang danh một thời như cái tên mứt gừng Kim Long thì những người làm mứt đều có những bí quyết riêng không nơi nào có được.

Nguyên liệu làm mứt được chọn từ làng trồng gừng ở Tuần, thị xã Hương Trà.

Gừng sau khi được đưa về sẽ được rửa sạch, cắt mỏng và ngâm qua nước...

Bà Trần Thị Bê, người có thâm niên 30 năm làm mứt cho biết: “Mỗi lò đều có cách để làm nên nét riêng của lát gừng. Mứt Kim Long có những bí quyết từ tỉ lệ đường đến thời gian nấu khác biệt. Từ đó tạo nên được những miếng gừng mỏng vừa phải, có màu vàng tự nhiên, cay cay, ngọt ngọt và giòn”.

...Tiếp đó đưa gừng đã ngâm vào luộc chín và đưa lên chảo rim.

Cuối cùng là đem đảo khô và đóng gói.

Thế nhưng, nếu mứt Kim Long ngày xưa nổi tiếng cả một vùng, nhà nhà cùng làm thì đến nay, với sự phát triển của máy móc, làng mứt Kim Long đã dần bị mai một. Bây giờ, chỉ còn 4-5 nhà trong vùng còn mặn mà với cái nghề ông bà để lại.

Ông Nguyễn Văn Dân, một người làm mứt lâu đời ở Kim Long chia sẻ: “Nghề này cũng cực lắm, thu nhập thì thấp, thị trường bị động nên các hộ ở đây thường chỉ làm theo thời vụ. Chủ yếu là có người đặt mới mạnh dạn làm, phần khác là muốn lưu giữ làng nghề nhiều đời của ông bà để không bị thất truyền”.

Làng nghề mứt Kim Long hiện đang mai một, người làm mứt chủ yếu là những người đã có tuổi.

Hiện nay, thị trường mứt rất sôi nổi khi được nhập đa dạng từ hàng nước ngoài và nội địa. Do đó, một vài hộ dân ở làng mứt Kim Long không thể “chọi” lại với những loại mứt khác. Thế nhưng, những người làm mứt như hộ gia đình ông Dân, bà Bê… vẫn quyết tâm “giữ lửa” làng nghề.

Được biết, mặc dù có sự hỗ trợ từ địa phương nhưng do tính chất thời vụ và thu nhập không cao nên số người làm mứt ngày càng ít dần. Đó là tình trạng chung của làng mứt Kim Long nói riêng và các làng nghề khác ở địa phương.

Phạm Thương – Bích Đàm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến